Bạn Có Biết Văn Hóa Thờ Cúng Tại Việt Nam Bắt Nguồn Từ Đâu Không?
1. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên – Một nét đẹp trong văn hóa người Việt
Thờ cúng tổ tiên đã trở thành một tập tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam, là một trong những thành tố tạo nên bản sắc văn hóa của người Việt. Dân gian tin rằng tổ tiên mình rất thiêng liêng họ đi vào cõi vĩnh hằng nhưng vẫn sống cạnh con cháu, bảo vệ, giúp đỡ cho con cháu khi gặp phải tai ương, khó khăn, vui mừng khi con cháu gặp may mắn, khuyến khích con cháu làm việc thiện và quở trách, răn dạy khi con cháu làm những điều sai trái.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên xuất hiện từ rất lâu, được xem là hình thành vào thời Bắc thuộc cùng với những ảnh hưởng từ nền văn hóa Hán. Không có ý thức cao siêu về thiên đàng hay địa ngục như Kito giáo hay thuyết luân hồi, chuyển kiếp đầu thai của đạo Phật, trong nhận thức dân gian, thể xác và linh hồn vừa gắn bó, vừa tách biệt. Chúng gắn bó khi sống và tách biệt khi chết. Khi đó, thể xác đã hòa vào cát bụi nhưng phần hồn vẫn tồn tại và chuyển sang sống ở thế giới khác. Cõi âm ấy cũng có mọi nhu cầu như cuộc sống ở dương gian. Theo quan niệm dân gian, chết cũng là một dạng “sống” trong môi trường khác.
Người ta cho rằng nếu người đã khuất không được cung cấp đầy đủ sẽ trở thành ma đói, lang thang quấy nhiễn người sống. Các am chúng sinh lập ở cuối làng hay Lễ Vu Lan (Rằm Tháng Bảy) dành cho “thập chúng sinh” là một trong những biểu hiện mong muốn chia sẻ, an ủi những linh hồn bơ vơ, thiếu đói không có người cúng tế.
Đối với những người thân trong gia đình, dân gian tin rằng người đã khuất chỉ là một cuộc trở về gặp tổ tiên, để có thể theo dõi, phù hộ độ trì cho con cháu. Đây chính là cơ sở hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.
Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở người Việt đã hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở quan niệm tâm linh và một nền tảng kinh tế – xã hội tư tưởng khá bền vững. Những yếu tố tâm linh có tính bản địa và mộc mạc đã được thể chế hóa, hợp pháp hóa nhờ hệ tư tưởng Nho giáo và sự ủng hộ của các vương triều. Chính vì vậy, tín ngưỡng này đã được bảo tồn qua suốt tiến trình lịch sử nhiều biến động.
Trong việc thờ cúng tổ tiên, hương (hay còn gọi là nhang) đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
2. Nguồn gốc của Hương (Nhang)
Từ xa xưa, việc thắp nhang (hương) trên ban thờ tổ tiên, tại đền, chùa là một nghi lễ tâm linh truyền thống của người Việt. Vào mỗi dịp lễ Tết không khó để bắt gặp hình ảnh những trang thờ, bát nhang nghi ngút khói ở khắp các đình, chùa, thậm chí là ở các gia đình. Tuy nhiên, bạn có biết khói nhang có tác hại như thế nào đến sức khỏe của chúng ta chưa?
Hương, còn được gọi là nhang được chế tạo từ các chất của thực vật có mùi thơm, thông thường được bổ sung thêm tinh dầu chiết ra từ thực vật hay có nguồn gốc động vật, dùng để tỏa ra khói có mùi thơm khi cháy. Nhang được sử dụng trong các mục đích tôn giáo, một số nơi còn sử dụng để chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian.
Hương ở dạng bột hay hạt nhỏ được bỏ vào than nóng hay trong bình hương, lư hương. Hương cũng được làm ở dạng thuận tiện hơn cho việc đốt như que hoặc vòng hình nón. Người ta thường đốt hương để cho nó bắt lửa, sau đó dập tắt ngọn lửa để nó cháy chậm hơn và tỏa ra khói có mùi thơm.
Hương đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Châu Á, thường được sử dụng trong ngày rằm, ngày lễ, Tết. Loại hương được nhiều người Việt cũng như Á Đông ưa thích nhất và giá trị của nó cũng cao nhất đó là hương trầm.
Những quan điểm về hương (nhang)
Một số chuyên gia cho biết, giống như khói thuốc lá, khói than, khói các loại hương hóa chất có chứa các hạt hóa chất độc hại như benzen, toluen, xylenes,…có thể dẫn tới ung thư hoặc nặng hơn là gây tử vong. Trong trường hợp đốt quá nhiều hương có thể gây ngạt thở cho những người bị dị ứng hoặc làm tăng nguy cơ hỏa hoạn.
Các loại hương có tàn trắng như vôi được làm bằng bột đá vôi dùng trong xây dựng có lẫn nhiều tạp chất, các kim loại độc như chì, thủy ngân,…Trong sản xuất, nếu sử dụng nhiều bột đá vôi để làm nhang sẽ gây tác hại nguy hiểm tới người sử dụng.
Ngoài ra, ở một số cơ sở sản xuất, người ta còn sử dụng H3PO4 để cuốn tàn (nhang có tàn uốn cong). Chất độc hại này sẽ tồn tại trong không khí, khi tác động lên da sẽ gây dị ứng, ngứa ngáy; tác động lên hệ hô hấp gây viêm nhiễm phù nề, co thắt, khó thở; tác động lên giác mạc gây ngứa mắt, sung huyết, chảy nước mắt.