Lễ Tạ Táo là một nghi lễ quan trọng không thể thiếu vào mỗi dịp năm mới cận kề, với mục đích đưa tiễn ông Táo lên chầu trời và bẩm báo cho Ngọc Hoàng biết tình hình năm vừa qua của gia đình.
Trong tín ngưỡng thờ thần của ông cha ta thì vị thần Táo, hay thần Bếp hay còn gọi với cái tên thân thuộc hơn là Táo Quân có lẽ không còn quá xa lạ. Vào mỗi dịp cuối năm, người dân Việt Nam thường làm lễ để tiễn ông Táo về chầu trời để bẩm báo với Ngọc Hoàng về một năm vừa qua của gia đình mình. Vậy tập tục này xuất phát từ đâu và phải chuẩn bị những gì trong ngày tạ Táo cuối năm? Hãy cùng theo dõi những chia sẻ dưới đây của Phong Thủy Lộc Tài nhé!
1. Táo Quân là ai?
Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích “2 ông 1 bà” – vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo.
Sở dĩ Táo quân được dân gian kính trọng vì ngoài việc chăm coi bếp núc để nuôi sống con người, Ngài còn theo dõi và ghi chép lại sinh hoạt tốt xấu của người trong nhà để cuối năm trình tấu với Ngọc hoàng. Theo sách “Kính Táo toàn thư”, “Táo Thần hưởng nhang khói của một nhà, gìn giữ sức khỏe cho người trong gia đình, theo dõi việc thiện ác của gia đình, tâu trình công tội của nhà đó” (thụ nhất gia hương hỏa, bảo nhất gia khang thái, sát nhất gia thiện ác, tấu nhất gia công quá). Với nhiệm vụ bảo hộ sinh mạng cho gia chủ nên Táo Quân còn được gọi là Tư mệnh Thần quân.
Ở nước ta, hàng năm, đúng ngày 23 tháng Chạp, các gia đình cúng tiễn ông Táo về trời, nhân tiện cúng gia tiên, nên ngày này gọi là “Tết ông Công”. Trong số lễ vật, người miền Bắc (từ Nghệ An trở ra) thường cúng một con cá chép sống rồi thả ra sông hồ (phóng sinh). Có gia đình thả vào giếng hay bể, nuôi cá lớn với mong muốn cá trông coi gia đình luôn thịnh vượng, con cháu được đỗ đạt, làm ăn được hanh thông, bởi vì cá chép có thể hóa rồng để vượt qua chín tầng trời, đưa ông Táo gặp Ngọc hoàng. Hiện nay, nhiều gia đình sử dụng cá chép giấy có kèm sẵn trong bộ quan miện của ông Táo. Người vùng Nam Trung Bộ trở vào không cúng cá chép mà đốt giấy in mộc bản hình “cò bay, ngựa chạy”. Người dân ở đây thường dâng hoa quả, kẹo, bánh mứt… miễn là đồ ngọt. Món bánh thường là bánh cốm làm bằng bột nếp rang nở. Riêng miền Nam lại cúng món bánh mè (vừng) gọi là “thèo lèo”.
Việc sử dụng cá chép để “tiễn ông Táo lên chầu” theo quan niệm của dân gian ta là vì cá chép là loài cá có thể vượt qua Vũ môn để hóa thành rồng. Theo “Ðại Nam nhất thống chí”, nước ta cũng có Vũ môn ở dãy núi Giăng Màn thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, là một dòng suối ba bậc. Tương truyền, mỗi năm đến tháng tư, mưa to, có nước nguồn thì cá chép ngược dòng vượt Vũ môn để hóa rồng. Vì thế, ca dao có câu “Tháng ba cá đi ăn thề/Tháng tư cá về, cá vượt Vũ Môn”.
Cũng chính vì ý nghĩa này mà người Việt thường dùng cá chép làm phương tiện tiễn Táo quân về trời, đồng thời cũng cầu mong sự thành đạt, thăng tiến.
2. Sắm lễ
– Hương thơm
– Hoa tươi (hoa cúc vàng)
– Trầu 3 lá, cau 3 quả (chọn cành dài và đẹp)
– Đĩa ngũ quả (5 loại quả 5 màu)
– 1 bao thuốc + 1 gói chè (loại 1 lạng/gói)
– 1 chén rượu, 1 chén trà khô, 1 chén nước, 1 chén gạo, 1 chén muối
– Một số bánh kẹo bày vào một đĩa to
– 1 đĩa xôi và 1 con gà luộc
– 1 mâm cơm canh có ít nhất 3 loại thịt
– Cá chép sống 3 con (có thể nhiều hơn càng tốt, sau đó dùng để phóng sinh)
3. Lễ vàng mã
– Bộ quần áo Ông Táo kèm mũ, hài, cá chép (mã)
– 3 đinh tiền lễ (1 đinh 10 lễ)
– 1 cây vàng hoa đỏ (1000 vàng)
(Sau khi làm xong lễ sẽ hóa hết vàng mã trên ban thờ)
4. Văn lễ
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
– Con kính lạy ngài đương niên Thái Tuế Chí Đức Tôn Thần
– Con kính lạy ngài Thành Hoàng Bản Thổ, chư vị đại vương
– Con kính lạy ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân
– Con kính lạy các ngài Tiền Hậu Địa Chủ Tài Thần
– Con kính lạy các bậc Tiên gia và chư vị Tôn Thần cai quản trong đất này xứ này.
– Con kính lạy hội đồng Gia tiên họ………………
Hôm nay là ngày……tháng……năm……. (Âm lịch)
Tên con là:…………………………………………………………..Sinh năm: …………………….
Cùng các các thành viên gia đình: (Họ tên……………………. Năm sinh………………….)
Chúng con cư ngụ tại: ………………………………………………………………………………….
Nhân ngày 23 tháng Chạp ngày ông Táo về chầu trời, gia đình chúng con thành tâm sắm sửa phẩm vật, lễ nghi, trình cáo với hội đồng Táo Quân và các chư vị Tôn Thần.
Gia đình chúng con nhờ công đức của các ngài che chở chăm lo việc bếp núc, giữ cho gia trạch bình an, bốn mùa không hạn ách tai bay, trong ngoài ấm êm, toàn gia mạnh khỏe ân đức này gia đình chúng con cúi xin cảm tạ.
Trong suốt năm qua, gia đình chúng con tu trong cõi thế, đường tu còn nhiều thử thách nên có điều gì chưa nên, chưa phải chúng con cúi xin chư vị Tôn Thần xá tội cho toàn gia chúng con trong năm qua.
Hôm nay, nhân ngày lành tháng tốt cuối năm mãn khí, các ngài về báo cáo Thiên Đình, gia đình chúng con sắm sửa lễ tạ ơn mong báo đáp ân thâm, tỏ lòng tôn kính. Cúi xin chư vị Táo Quân nhận hưởng lễ vật, chứng minh tâm đức, chứng giám lòng thành của gia đình chúng con. Kính mong chư vị Tôn Thần Ngài Đương Niên Thái Tuế, Ngài Thành Hoàng Bản Cảnh cùng các chư vị Tôn Thần phù hộ cho gia đình chúng con được an cư lạc nghiệp, sức khỏe bình an, tăng tài tiến lộc, công thành danh toại, gia đạo hưng vượng, tám tiết bình an hanh thông lợi lạc. Xin các ngài về trời ban phước ban lộc phù hộ độ trì, chỉ giáo cho chúng con đường đi nước bước để năm sau chúng con sức khỏe dồi dào, gia đạo bình an, an khang thịnh vượng, tâm cầu sở đắc, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con kính thỉnh hội đồng Gia tiên họ………….. đồng lâm án tiền đồng lai hâm hưởng, chiêm ngưỡng Tôn Thần, chứng giám lòng thành tiếp dẫn lễ vật của gia đình chúng con đến chư vị Tôn Thần, chúng con cúi xin phù hộ.
Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin soi tận.
Gia đình chúng con cúi lạy tạ ơn!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!