Trong ngày Thanh Minh, con cháu tới mộ phần của ông bà tổ tiên dọn dẹp cây cỏ sạch sẽ, tu sửa, đắp lại một phần, hay những ngôi mộ xây thì sửa sang, sơn lại, lau rửa sạch sẽ và thắp hương, lễ bái để tỏ lòng nhớ tới công ơn của tiền nhân khi trước, đây được gọi là tục tảo mộ, một tập tục đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam ta.
1. Tục Tảo mộ
Theo thông lệ từ trước đến nay, cứ sau tháng Giêng là người ta đã lo việc đắp mộ cho những người quá cố. Trước Thanh minh một ngày, để đi cúng mộ người ta đã chuẩn bị một bộ tam sinh, giấy ngũ sắc, nhang, đèn, giấy tiền, vàng bạc, quần áo giấy… và các loại bánh trái, thức ăn, thức uống khác tùy sở thích của mỗi nhà. Bộ tam sinh dùng để tế trong các đại lễ ngày xưa là ba con vật: bò, heo, dê. Ngày nay tùy theo tập quán của mỗi địa phương và hoàn cảnh của mỗi gia đình để làm lễ.
Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Nhân ngày Thanh minh, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất.
Một số gia đình còn sơn sửa lại phần mộ cho thêm khang trang, sạch sẽ. Bên cạnh đó, cũng cần bao sái lại bát hương ở mộ. Nên sử dụng nước ngâm gừng, ngâm hoa, rượu ngũ vị hương hoặc nước thơm Nhất Tâm Hương để lau dọn bát hương. .Nhất Tâm Hương là sản phẩm được ngâm lắng từ các loại thảo mộc quý như đinh hương, hồi, quế… Đây là những dược liệu hoàn toàn tự nhiên, không gây độc hại cho gia chủ khi sử dụng. Việc sử dụng loại nước thơm này khi báo sái bàn thờ nhằm cầu mong những điều tốt đẹp, tẩy uế, trừ tà.
Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, săn sóc, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người có lòng nhân đức không khỏi mủi lòng thường cắm một nén hương, đốt nắm vàng mã cho những ngôi mộ này. Tại các nơi tha ma mộ địa còn có lập một cái am để thờ chung những mồ mả vô chủ gọi là Am chúng sinh và mỗi cửa am có một bà đồng sớm tối đèn hương thờ phụng.
Trong ngày Thanh minh, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này (có thể sớm hơn một, hai ngày vì nhiều lý do khác nhau) để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình.
2. Thời gian tảo mộ
Nên đi tảo mộ vào thời điểm mà dương khí khá vượng, từ 9h sáng tới khoảng trước 3h chiều. Lúc trước 9h sáng và sau 3h chiều, âm khí dần tăng lên, không tốt cho những ai đang có vận khí xấu hay sức khỏe suy giảm.
3. Những ai không nên đi Tảo Mộ trong ngày tết Thanh Minh
Người ốm yếu, đang đau bệnh
Mặc dù theo lý mà nói thì tiết Thanh Minh là lúc con cháu tưởng nhớ về tổ tiên, ông cha, về những người đã mất, ai cũng nên bớt chút thời gian đi tảo mộ. Song với những người thể chất ốm yếu hay đang mắc bệnh thì tốt nhất không nên đi tảo mộ tiết Thanh Minh.
Mộ hay nghĩa trang thường đặt ở nơi vắng vẻ, lại thêm đó là nơi chôn cất người đã khuất nên âm khí vượng, dương khí suy, người sức khỏe không tốt đến những nơi như vậy có thể khiến cho tình trạng bệnh tật càng thêm nặng, thậm chí có thể nhiễm thêm phong hàn hay những bệnh khác.
Phụ nữ có thai
Theo phong tục dân gian thì phụ nữ có thai không nên đi tảo mộ Tết Thanh Minh. Tương tự như lý do như đã nói ở trên, nơi tảo mộ thường có nhiều âm khí, không có lợi cho phụ nữ có thai cần không khí trong lành để dưỡng thai cho tốt.
Thêm nữa, nghĩa trang, mộ phần thường đặt ở nơi xa dân cư, cần phải trải qua hành trình khá dài mới đến được nơi tảo mộ, trong khi phụ nữ có thai không nên đi lại quá vất vả, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và con.
Người xưa cũng quan niệm rằng phụ nữ đang cho con bú và phụ nữ đang đến tháng nên tránh đi tảo mộ Tết Thanh Minh. Phụ nữ cho con bú cần giữ sức khỏe, đến nơi nhiều âm khí không tốt cho cả mẹ và con. Còn phụ nữ đang đến tháng là lúc dương khí suy giảm, âm khí đang lên, nếu đến nơi nhiều âm khí như nghĩa trang, mộ phần thì dễ bị những thứ không tốt xâm nhập vào cơ thể, gây hại cho sức khỏe.
Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi
Tết Thanh Minh là dịp để tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà tổ tiên, tiền nhân đã khuất. Nhiều gia đình cả nhà đi tảo mộ, mang cả trẻ nhỏ đi tế lễ, mong muốn rằng các con sẽ phần nào hiểu được truyền thống gia đình, truyền thống dân tộc.
Tuy nhiên, nếu em bé nhà bạn dưới 3 tuổi thì không nên mang bé đi tảo mộ Tết Thanh Minh đâu nhé. Về mệnh lý, trẻ dưới 3 tuổi dễ dàng nhìn thấy thế giới tâm linh, vượt qua thực tại mà nhìn thấy 1 thế giới khác, điều này sẽ không tốt cho tâm trí và sức khỏe của trẻ. Ở nơi nhiều âm khí, có thể nhìn thấy linh hồn người đã khuất như nghĩa trang, mộ phần thì hiển nhiên việc đưa trẻ nhỏ đi không phải là quyết định đúng đắn.
Ngoài ra, yếu tố thời tiết, khí hậu trong tiết Thanh Minh cũng là điều mà các bậc phụ huynh nên chú ý. Thời điểm này trong năm thường có mưa, tiết trời ẩm ướt, đến nơi hoang vắng như nghĩa trang hàn khí nhiều, trẻ nhỏ sức đề kháng không cao sẽ dễ bị nhiễm lạnh.
4. Tuyệt đối không nên làm những điều này khi đi tảo mộ trong ngày tết Thanh Minh
Không tùy tiện động chạm đến bia mộ
Thường thì ở nhiều nơi, mộ phần đều được dựng bia, đây vừa được coi là cách để thể hiện sự tôn trọng với tiền nhân, vừa là một trong những cách làm truyền thống của phong thủy âm trạch. Nếu nói xương cốt của người đã khuất là nơi gắn kết địa khí long mạch thì bia mộ cũng giống như một sợi dây anten, nối giữa Trời và Đất.
Vì thế, bia mộ là vật vô cùng quan trọng, khi lễ bái tuyệt đối tránh việc động chạm bừa bãi lên bia mộ. Ngoài việc lau sạch bia và dọn dẹp cỏ dại xung quanh thì không được tùy tiện thay đổi hướng của bia mộ. Trừ khi có việc gì bất ổn xảy ra thì mới cần phải xem xét để đổi hướng bia mộ, còn không giữ nguyên là hơn. Hành động tùy tiện, bừa bãi có thể sẽ phạm phải cấm kị trong phong thủy âm trạch, không tốt cho người đã khuất mà còn mang tới những điều chẳng lành cho người sống.
Người phạm Thái Tuế không nên chủ trì lễ tế quan trọng
Nếu bạn nằm trong số những con giáp phạm Thái Tuế thì tốt nhất không nên đứng ra chủ trì lễ tế quan trọng, điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và vận trình của bạn. Năm 2024, 5 con giáp phạm Thái Tuế là Thìn, Tuất, Sửu, Mùi, Mão nên những người tuổi này không nên chủ trì lễ tế.
Không trồng thêm cây hay đặt thêm đồ vật trước mộ phần
Nhiều người có thói quen cứ đến tết Thanh Minh hàng năm là lại đem cây hoa hay những đồ vật mới đến trồng hay đặt trước mộ của người thân để tỏ lòng thành. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ phong thủy thì đây không phải là hành động sáng suốt.
Phong thủy âm trạch coi trọng các yếu tố Long, Huyệt, Sa, Thủy, Hướng. Một ngôi mộ được đánh giá tốt hay không chính là nằm ở Long khí và Sa, Thủy sau khi nhập mộ có giúp cho ngôi mộ có được Sơn Phong (đỉnh núi) hay Vận Thủy (thế nước) tốt hay không.
Cỏ dại mọc ở phía đầu phần mộ, cần phải loại bỏ
Khi đi tảo mộ trong tiết Thanh Minh, nếu thấy phần đầu mộ (chỗ đặt bia mộ) có cỏ dại mọc, cần phải loại bỏ, dọn dẹp sạch sẽ.
Bản thân từ “tảo mộ” cũng mang hàm ý dọn dẹp những vật gây bất lợi cho mộ phần tổ tiên. Phía đầu bia mộ mà bẩn, nhiều cỏ dại mọc cũng ảnh hưởng không tốt tới vận khí, sức khỏe của con cháu đời sau.
Bài viết này đã đưa ra những lời khuyên cũng như quan niệm dân gian về việc tảo mộ trong ngày Tết Thanh Minh, đây là nét văn hóa cần được giữ gìn từ đời này sang đời khác. Hãy cùng bảo vệ và phát huy để truyền thống được giữ đúng bản sắc của nó.