Trong kinh doanh, hầu hết các doanh nghiệp đều khó cưỡng lại cám dỗ. Nhiều khi tưởng chừng có thể kiếm tiền một cách dễ dàng và nhanh chóng nhưng thực tế lại là đang rơi vào một cạm bẫy chết người. Lợi nhuận ngắn hạn đương nhiên rất quan trọng nhưng là một doanh nghiệp, nhất định phải có kế hoạch dài hạn
Cùng Nhau Bán Hàng Giả? Chi Bằng Kiếm Kế Sinh Nhai Khác
Hiện nay ở Trung Quốc có rất nhiều đặc sản địa phương nhờ có thổ nhưỡng, cách trồng trọt, chăm sóc và chế biến rất riêng, hương vị thơm ngon, độc đáo nên rất được khách hàng ưa chuộng, ví dụ như pháo Lưu Dương ở Hồ Nam, trà Long Tỉnh ở Tây Hồ hay cua ở hồ Dương Trừng… Đó đều là những sản phẩm đã được người tiêu dùng công nhận, có thị trường tiêu thụ rộng lớn. Người dân ở những địa phương đó cũng khấm khá hơn nhờ danh tiếng của những đặc sản của mình. Tuy nhiên, có những đặc sản chưa đăng kí thương hiệu, đăng kí chỉ dẫn địa lí, cũng có một số địa phương vì quản lí chưa nghiêm, chất lượng sản phẩm không ổn định, bị làm giả, làm nhái nhiều, dẫn đến uy tín bị giảm sút, cuối cùng người dân phải đổi nghề hoặc rút khỏi thương trường. Vậy thì trong bối cảnh không có quy định quản lí cụ thể, phải chăng chỉ có thể tát nước theo mưa, nhà nhà làm hàng giả, hàng nhái để kiếm thêm ít tiền, đến khi không làm tiếp được nữa thì lại chuyển sang buôn bán thứ khác?
Quê của Trường có nghề trồng mộc nhĩ, ở đó có tới hàng trăm cơ sở lớn nhỏ cùng trồng và đóng gói mộc nhĩ, chiếm khoảng 30% thị phần mộc nhĩ của cả nước. Rất nhiều gia đình đã làm giàu nhờ vào cây mộc nhĩ. Người nọ nhìn thấy người kia khấm khá thì cũng muốn làm theo. Thế là số người trồng mộc nhĩ ngày càng nhiều, nuôi mộc nhĩ không quá phức tạp, lại cùng là người bản địa nên có thể tìm mối thu mua và đóng gói dễ dàng. Thực trạng ngày nay là thế, hễ thứ gì có thể bán kiếm tiền là người người nhà nhà lao vào làm, ban đầu là quan hệ cùng có lợi, nhưng sau đó thì bắt đầu cạnh tranh một cách không lành mạnh, khiến cho nghề trồng mộc nhĩ dần dần mất uy tín, chẳng ai kiếm được tiền nữa. Sau đó, cả làng lại tìm được một kế sinh nhai mới và lại bắt đầu một vòng tuần hoàn ác tính.
Khi Trường mới bắt đầu kinh doanh mộc nhĩ, mỗi một năm có thể xuất xưởng hơn 50 tấn, mỗi cân mộc nhĩ khô được lãi 2 tệ, sau này thì bị giảm xuống còn 0.4 tệ, mà mỗi năm cũng chỉ xuất xưởng được khoảng 60 tấn. Việc kinh doanh càng ngày càng khó khăn. Thế rồi có người bắt đầu giảm chi phí bằng cách nhuộm mộc nhĩ bị nấm mốc, bị thối bằng mực đen hoặc hóa chất, cho thêm đường, bột sắn, xử lí bằng hợp chất có hại, phân urê, phèn chua và dung dịch amoniac rồi trộn chung với mộc nhĩ thường. Làm thế này thì giá vốn sản phẩm chắc chắn sẽ rẻ hơn và mỗi một cân mộc nhĩ bán ra cũng lãi tới 2 tệ, cao hơn nhiều so với mức lãi mà Trường đang duy trì. Có người còn cho thêm cả bột xi măng vào mộc nhĩ để tăng thêm trọng lượng. Thế thì còn gọi gì là bán mộc nhĩ nữa, mà là bán xi măng.
Mộc nhĩ thật của Trường không thể cạnh tranh được với loại mộc nhĩ giả kém chất lượng, giá rẻ đó. Trường cũng biết cách làm cho mộc nhĩ chất lượng kém thành “chất lượng cao” nhưng không nỡ làm việc đó. Mộc nhĩ là để cho người ăn, nếu như ăn mộc nhĩ chất lượng kém thì sẽ mắc bệnh, ăn nhiều còn có thể dẫn đến chết người. Nhưng nếu không làm thì việc kinh doanh sẽ không thể tiếp tục được nữa. Trường cũng đã cảnh báo những người trồng mộc nhĩ khác rằng: “Cứ tiếp tục cung cách làm ăn giả dối này sẽ làm mất uy tín mộc nhĩ đen của địa phương, đến lúc đó, mọi người đều không có cơm mà ăn.” Nhưng dân làng đều ngang bướng nói: “Nếu anh không làm thì người chịu thiệt chính là anh. Tôi không làm thì vẫn có người khác làm, dù sao thì cái thương hiệu này cũng đã chẳng còn uy tín nữa rồi, sao không tranh thủ lúc này kiếm thêm ít tiền? Đến lúc không tiếp tục được thì lấy tiền đấy mà làm nghề khác. Nếu thương hiệu này là của mình tôi thì nhất định tôi sẽ bảo vệ nó. Nhưng bây giờ mọi người đua nhau làm hàng giả, tôi có làm hàng thật thì cũng chẳng ai tin.” Họ còn cười nhạo Trường là xuẩn ngốc, toàn suy nghĩ những chuyện không đâu.
Trường có một người bạn nối khố tên là Vũ. Sau khi đi du học nước ngoài về, Vũ làm việc ở Hồng Kong. Trường vẫn còn giữ liên lạc thường xuyên với Vũ, mỗi khi có chuyện khó khăn cũng thường tìm Vũ bàn bạc và xin lời khuyên.
Một hôm, Vũ gọi điện đến, thấy Trường có vẻ buồn bã, liền hỏi thăm. Trường kể hoàn cảnh của mình cho bạn nghe. Vũ và Trường là đồng hương nên đều hiểu rất rõ vấn đề. Tuy không sống ở quê nhưng Vũ vẫn rất quan tâm tới sự phát triển của quê hương và cũng đã suy nghĩ nhiều về chuyện đó. Biết Trường gặp khó khăn, Vũ liền bày tỏ quan điểm của mình với bạn.
Vũ nói: “Chuyện này cũng chẳng có gì mà phải buồn, vì cậu không thể thay đổi được gì cả, khi con người không thể thay đổi thế giới thì chi bằng hãy thay đổi chính mình để thích ứng với thế giới đó, sau đó mới nghĩ cách thay đổi thế giới xung quanh.” Trường vừa nghe xong đã bác bỏ: “Cậu cũng biết là làm vậy thì thương hiệu của địa phương sẽ bị bôi nhọ, cuối cùng mọi người đều không có cơm ăn. Hơn nữa, cầm những đồng tiền bẩn thỉu đó, cả đời này tôi cũng không yên lòng được.”
Vũ rất hiểu cá tính của bạn mình, ngừng lại một chút cho Trường bớt giận mới nói tiếp: “Tôi có bảo cậu làm mộc nhĩ giả đâu, tôi chỉ nói, chúng ta phải suy nghĩ xem trong tình trạng này thì cậu phải làm gì để tồn tại và phát triển được? Khi thương hiệu này đã bị hủy hoại thì cậu làm sao phát triển được nữa. Chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lí các làng nghề, họ mà không làm gì thì chút sức lực nhỏ nhoi của cậu thấm vào đâu.”Trường thở dài nói: “Tôi cũng nghĩ như vậy. Người nghèo chỉ biết lo thân, người giàu mới lo chuyện thiên hạ, thôi thì cứ làm tốt việc của mình đã. Vậy cậu có cách nào không?” Vũ trả lời: “Cách thì sẽ có thôi, chúng ta cứ phân tích tình hình trước đã, nhất định sẽ tìm ra cách giải quyết. Trước hết, nhìn qua thì có thể thấy, với tình trạng này hàng thật không thể tồn tại được, ngược lại hàng giả thì có thể sinh lợi. Để có thể giảm giá thành sản phẩm thì chỉ còn cách làm hàng giả. Giá càng rẻ thì hàng giả càng nhiều. Nhưng mà quy luật bản chất của việc mua bán là gì? Đó chính là thương hiệu sản phẩm. Hiện tại không có người duy trì thương hiệu này mà mọi người đang cùng lợi dụng nó. Ngược lại, nếu cậu có thể làm ra một thương hiệu tốt, chú trọng vào chất lượng thì chắc chắn có thể giải quyết được khó khăn.”
Trường vẫn có vẻ chán nản, nói: “Lí thuyết thì là thế, nhưng mà phải làm thế nào?”
Vũ tiếp lời: “Nếu chúng ta đã thống nhất về bản chất của vấn đề thì chỉ còn phải tìm cách giải quyết cụ thể thôi. Tôi nghĩ để thu mua được mộc nhĩ có chất lượng tốt ở quê mình không khó, chỉ cần trả giá hợp lí thôi. Bây giờ mọi người đều đang bán hàng giả, cậu bán hàng thật, hàng tốt thì có lẽ cũng không được trả giá cao. Hay là cậu nhân cơ hội này làm một bao bì mới để cạnh tranh với họ, có được không?” Trường nói: “Tôi cũng từng nghĩ đến chuyện này rồi, nhưng mà chỉ đổi cái bao bì thì có tác dụng gì chứ, người khác cũng có thể in giấy gói giống thế, không phân biệt được.”
Vũ cười nói: “Mấy hôm trước đi công tác, tôi nhìn thấy một loại mộc nhĩ mới được bán ở Hồng Kong, bao bì và chất lượng đều không tồi, đang định nói với cậu đây. Dùng cách này chắc chắn có thể tạo ra sự khác biệt với những cơ sở sản xuất mộc nhĩ khác ở quê. Cậu thử nghiên cứu xem, loại mộc nhĩ này rất được ưa chuộng ở Hồng Kong.” Trường nghe xong thì phấn chấn hẳn, vội hỏi: “Rốt cuộc thì bao bì như thế nào?”
Thấy Trường đã lấy lại tinh thần, Vũ nói tiếp: “Thật ra cũng rất đơn giản, trước hết phải chọn mộc nhĩ tốt, sau đó dùng công nghệ ép chân không tạo ra những túi mộc nhĩ khô theo hai loại lớn và nhỏ khác nhau, dán chặt miệng túi lại, sao cho một gia đình chỉ cần dùng một gói là đủ cho một bữa cơm, cứ mười gói thì lại được cho chung vào một hộp giấy. Hiện nay, mộc nhĩ chủ yếu được bày bán ở các chợ dân sinh, nếu cậu đóng gói sản phẩm theo cách này thì còn có thể bán ở tất cả các siêu thị trong cả nước.”
Trường nói: “Hay thì có hay, nhưng sau này, thương hiệu mộc nhĩ của quê mình bị mất đi rồi, người tiêu dùng sẽ nghĩ mộc nhĩ của mình cũng là đồ chất lượng kém, chắc cũng đành sống chết cùng mọi người.” Vũ nghĩ ngợi một lúc rồi nói: “Thế này vậy, cậu hãy sang Hồng Kông lập một công ty, sau đó đăng kí thương hiệu cho mộc nhĩ của cậu, trên bao bì sản phẩm ghi rõ là do công ty ở Hồng Kông giám sát để phân biệt với sản phẩm ở quê.”Sau khi nghe bạn nói, Trường dường như đã tìm được “miền đất hứa” cho mình, liền giục Vũ mua giúp mình vài hộp mộc nhĩ để mang về nhà nghiên cứu và nhờ Vũ tìm hiểu giúp công nghệ đóng gói mộc nhĩ cũng như trang thiết bị cần thiết.
Sau nửa năm nghiên cứu và khảo sát thị trường, cuối cùng Trường đã mở một xưởng sản xuất mộc nhĩ ở chính quê nhà. Khi sản phẩm mới được tung ra thị trường, hầu hết khách hàng đều không ưa chuộng lắm vì mộc nhĩ của anh đắt hơn những loại mộc nhĩ giả hoặc mộc nhĩ bán theo cân ngoài thị trường, họ chỉ mua một ít mộc nhĩ về để nếm thử xem thế nào. Việc kinh doanh của xưởng chủ yếu dựa vào việc Vũ ở Hồng Kông liên hệ với mấy công ty để xuất khẩu ra nước ngoài. Dần dần, công ty của Trường đã mở rộng thị phần đến những siêu thị lớn, lợi nhuận bán hàng là 10 tệ một cân và ngày càng phát triển hơn. Ngược lại, những người làm mộc nhĩ chất lượng kém lãi ngày càng ít hơn, vì rất nhiều người cùng làm mộc nhĩ giả nên họ liên tục phải cạnh tranh giá cả với nhau. Dần dần mộc nhĩ giả không còn chỗ đứng trên thị trường nữa.
Đúng vào lúc mộc nhĩ giả bị mất thị phần thì có một tờ báo ở Hồng Kông làm chuyên mục về nó, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trong cả nước. Một thời gian sau, thị trường mộc nhĩ tự do vắng vẻ hẳn. Chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm tới vấn đề này nên đã quyết định thu hồi một lượng lớn mộc nhĩ chất lượng kém và tiêu hủy, đồng thời xử phạt những người có liên quan. Bấy giờ, hàng trăm hộ sản xuất mộc nhĩ trong làng của Trường phải đóng cửa hoặc chuyển sang nghề khác, chỉ còn lại khoảng hơn 30 hộ tiếp tục duy trì nghề này.
Vì Trường sản xuất mộc nhĩ chất lượng cao nên dần dần thu hút được khách hàng, rất nhiều doanh nghiệp trước đây không mua hàng của anh giờ bắt đầu quay lại hợp tác vì không thể tìm ra nguồn hàng lớn hơn, khối lượng mộc nhĩ bán ra tăng vùn vụt chỉ trong một thời gian ngắn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương không muốn mất thương hiệu mộc nhĩ này, vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến thu nhập tài chính của địa phương, phần khác cũng muốn khôi phục thương hiệu mộc nhĩ nổi tiếng trước đây nên đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi, quảng cáo mộc nhĩ của Trường trên các phương tiện truyền thông. Được sự tuyên truyền của địa phương, mộc nhĩ của Trường nổi tiếng hơn hẳn. Sau đó, chính quyền lại đưa ra rất nhiều ưu đãi về vốn và chính sách để cổ vũ Trường mở rộng sản xuất, doanh nghiệp của anh đã trở thành đầu tàu trong ngành sản xuất mộc nhĩ, lấy lại đẳng cấp cho thương hiệu mộc nhĩ trước đây và đưa nó phát triển hơn nữa.
Bài học tâm đắc
Trong kinh doanh, hầu hết các doanh nghiệp đều khó cưỡng lại cám dỗ. Nhiều khi tưởng chừng có thể kiếm tiền một cách dễ dàng và nhanh chóng nhưng thực tế lại là đang rơi vào một cạm bẫy chết người. Lợi nhuận ngắn hạn đương nhiên rất quan trọng nhưng là một doanh nghiệp, nhất định phải có kế hoạch dài hạn. Vì lợi ích trước mắt mà mất đi lợi ích lâu dài, doanh nghiệp đó mãi mãi không thể lớn mạnh được. Có nhiều doanh nghiệp không chủ định phạm pháp hay làm những việc bất chấp lương tâm, có điều họ không thể tìm ra được cách nào tốt hơn để tồn tại, chỉ còn cách đi theo trào lưu, cuối cùng đã tự đưa mình vào vòng nguy hiểm.
Nguyên tắc cơ bản nhất của việc kinh doanh là giao dịch công bằng. Lí thuyết thì có vẻ đơn giản nhưng lí thuyết càng đơn giản thì lại càng gần với bản chất của sự vật. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy trong vụ việc sữa bẩn gần đây, có rất nhiều doanh nghiệp bị liên lụy, cho dù họ có làm sữa bẩn hay không. Những doanh nghiệp lớn tuy có thể tồn tại sau “cơn bão” nhưng vẫn bị tổn thất nặng nề; còn các doanh nghiệp nhỏ thì chỉ còn cách phá sản hoặc chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khác.
Trích: Kinh nghiệm thành công của ông chủ nhỏ – Lão Mạc
Hy vọng bài viết trên đã đem lại những thông tin bổ ích cho quý độc giả. Nếu cần được trợ giúp các thông tin về phong thủy, bạn có thể liên hệ đến:
Công ty TNHH Kiến Trúc Phong Thủy Lộc Tài
Hotline: 0989.34.9119
Địa chỉ Hà Nội: 232 Phạm Văn Đồng, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội