Bàn thờ Tổ tiên là bàn thờ chính trong mỗi gia đình Việt. Người ta còn có sự phân biệt giữa bàn thờ họ và bàn thờ trong từng gia đình. Trong ngôi nhà truyền thống của người Việt, bàn thờ luôn ở vị trí trang trọng nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết bài trí bàn thờ đúng phong thủy để rước tài lộc về nhà . Dưới đây là một số lưu ý trong phong thủy khi đặt bàn thờ gia tiên để gia chủ đón tài lộc, gia đình bình yên, hạnh phúc.
BÀN THỜ TỔ TIÊN
Bàn thờ Tổ tiên là bàn thờ chính trong mỗi gia đình Việt. Người ta còn có sự phân biệt giữa bàn thờ họ và bàn thờ trong từng gia đình.
>>> Cách sắp xếp: Bàn Thờ Gia Tiên Chi Tiết
Bàn thờ họ
Tất cả con cháu cùng một dòng họ lập chung một bàn thờ vị Thủy tổ, gọi là Từ đường của dòng họ. Bàn thờ này có bài vị Thủy tổ dòng họ. Ngày xưa bài vị được ghi bằng chữ Hán. Nhiều dòng họ không có nhà thờ riêng thì xây một đài lộ thiên dựng bia đá ghi tên thụy, hiệu các Tổ tiên. Mỗi khi có giỗ Tổ, hoặc có tế tự của một chi họ, thì cả họ hoặc riêng chi họ đó ra đài lộ thiên cúng tế. Đài lộ thiên này là nơi để cúng tế, hoặc tổ chức các trò vui trong ngày giỗ Tổ dòng họ hoặc một chi họ. Cúng tế xong sẽ về nhà tộc trưởng hoặc trưởng chi cùng ăn uống.
Có nhiều họ có nhà thờ riêng với bàn thờ Thủy tổ để cho chi trưởng nam đời đời giữ hương hỏa, và chỉ khi nào ngành trưởng không có con trai nối dõi thì việc cúng bái mới chuyển sang chi dưới.
Có họ, ngoài bàn thờ Thủy tổ chung, con cháu luân phiên nhau thờ Tổ ở nhà riêng của mình. Song chỉ là trường hợp của những người đi xa quê hương, không thuận tiện dự ngày giỗ Tổ hàng năm và lễ Tổ trong dịp Tết được.
Nhà thờ chi
Nhiều họ lớn chia thành nhiều chi. Mỗi chi lại đông con cháu nên ngoài việc tham gia ngày giỗ Tổ toàn họ còn có ngày giỗ Tổ riêng của chi họ. Các chi đều có nhà thờ riêng, gọi là Bản chi từ đường.
Hiện nay, trên bàn thờ nhiều gia đình ở nông thôn vẫn còn đặt bức hoành phi mang dòng chữ nói rõ đó là từ đường của chi họ nào. Từ đường có nghĩa là nhà thờ. Trên bàn thờ này có bài vị của ông Tổ, nên gọi là Thần chủ ban chi. Thần chủ này cũng như Thần chủ của Thủy tổ họ sẽ được thờ mãi mãi.
Người trong chi họ có dành một số ruộng để lấy hoa lợi cúng giỗ, ruộng này gọi là Kỵ điền.
Bàn thờ gia đình
Bàn thờ riêng của từng gia đình còn gọi là Gia từ, hay bàn thờ Gia tiên. Những gia đình giàu có mới xây nhà thờ riêng cho gia đình. Còn phần lớn, bàn thờ gia tiên được thiết lập ngay ở gian giữa nhà chính.
Những người con thứ không cần phải có bàn thờ gia tiên vì không phải cúng giỗ, nhưng vì lòng thành kính vổi Tổ tiên, họ vẫn lập bàn thờ để cúng vọng.
TRANG TRÍ BÀN THỜ TỔ TIÊN
Nhà thờ ở nông thôn thường có ba gian hai chái hoặc một gian hai chái. Và bàn thờ Tổ bao giờ cũng thiết lập ở gian giữa nhà chính, nếu không có nhà thờ riêng trong gia đình. Bàn thờ Tổ gồm hai lớp trong và ngoài:
1. Lớp trong
Lớp trong kê sát ngang tường hậu, gồm: chiếc rương hòm thật lớn cao khoảng 1m, dài khoảng trên 2m, rộng gần 2m. Mặt trước chiếc rương đóng nẹp chia làm 3 ô. Các ô này có khi là ba chữ đại tự, có khi là những bức tranh được dán trong dịp lễ tết. Trên những nẹp có những đồng tiền. Trong rương đựng bát đĩa, nồi, sanh đồng để dùng khi giỗ tết.
Những gia đình khá giả thay chiếc rương bằng một chiếc bàn thờ to, một chiếc sập sơn thếp vàng lộng lẫy được kê trên bộ mễ cao khoảng l m. Phía trước có tấm màn đỏ che những mâm thau, đồ đồng cùng bát đĩa, được xếp dưới gầm sập.
Kê giữa chiếc rương hoặc sập có ít nhất hai chiếc mâm nhỏ chân quỳ, mặt hình chữ nhật: một chiếc bề dài độ 8 tấc, bề rộng khoảng 6 tấc. Chiếc mâm thứ hai nhỏ hơn một chút kê đằng sau chiếc thứ nhất. Cả hai chiếc cao chừng 4 tấc trông giống như hai chiếc bàn nhỏ, thấp, dùng để bày đồ lễ. Trong những ngày giỗ tết, cỗ được bày trên bàn thứ nhất, còn hoa quả, trầu nước bày ở chiếc mâm thứ hai nhỏ hơn.
Bên trong cùng lớp trong là Thần chủ đựng trong long khám kê trên một chiếc bệ có độ cao bằng hai chiếc mâm. Có nhiều gia đình không thờ Thần chủ, chỉ kê ở nơi đây một chiếc Kỷ, hoặc chiếc Ngai tượng trưng cho ngôi vị Tổ tiên.
Đối với những gia đình giàu có, những đồ thờ này được sơn son thếp vàng. Riêng chiếc Ngai hay tay ngai đều mang hình đầu rồng. Rồng đứng đầu tứ linh được dùng trang hoàng cho đồ tự khí. Trên chiếc mâm nhỏ, kê bên trong ở trước Thần.
chủ, hay chiếc ngai có một cái tam sơn, một thứ đồ thờ để đặt trầu, chén rượu, ly nước, đĩa hoa quả trong những khi cúng giỗ.
Lớp bàn thờ bên trong được ngăn với lớp bên ngoài bằng một bức y môn, tức là một chiếc màn thờ màu đỏ bằng the, nhiễu hay vải tùy theo gia cảnh. Chiếc y môn treo cao thõng xuống che kín toàn bộ bàn thờ lớp bên trong.
2. Lớp ngoài
Lớp ngoài bắt đầu từ y môn trở ra, bao gồm: một hương án kê gần sát y môn. Trên hương án đặt một bình hương bằng sứ ở chính giữa để cắm hương khi cúng bái. Đằng sau bình hương là một chiếc Kỷ nhỏ, cao độ 3 phân, dài 50 phân, rộng 25 phân. Đặt ba chiếc đài có nắp và trên nắp có núm cầm lên trên chiếc Kỷ nhỏ này. Khi mở nắp đài ra nắp kê xuống dưới, đài đặt lên trên. Đài làm bằng gỗ được tiện rỗng dưới để khi đặt lên trên nắp đài. Đài sẽ ăn khớp với nắp. Ba đài này dùng đựng chén rượu nhỏ lúc cúng giỗ, còn ngày thường đài được đậy nắp để tránh bụi bặm.
Hai bên thường để hai cây đèn cao khoảng 40 phân, chân tiện và lưng chừng có vành rộng ra gọi là đĩa đèn. Ngày xưa, trong những lần cúng giỗ, người ta đặt lên hai cây đèn này hai đĩa dầu lạc đốt bấc. Sau này, thay bằng hai ngọn đèn Hoa kỳ. Ngày nay, người ta mắc trực tiếp bóng điện vào hai cây đèn.
Gần hai bên bình hương, ngoài hai cây đèn còn có hai con hạc đồng chầu hai bên. Trên đầu hai con hạc có chỗ để thắp nến. Ở mé ngoài hai cây đèn gần hai đầu hương án là hai ống đựng hương. Hai ống hương bằng gỗ tiện miệng loe. Ngoài các thứ trên còn có lọ độc bình hoặc song bình bày trên hương án để cắm hoa. Còn nếu dùng độc bình thì đối diện với độc bình là một chiếc mâm bồng bày ngũ quả khi cúng giỗ.
Tất cả những thứ như bàn, kỷ và chiếu ngai, đồ thờ trên hương án như kỷ nhỏ, đặt đèn, ống hương… đều làm bằng gỗ mít để ít bị mối mọt, còn sang hơn thì sơn son thếp vàng. Các gia đình giàu có dùng những đồ trên bằng đồng, gọi là bộ tam sự, ngũ sự hay thất sự. Trong bộ tam sự, chiếc đỉnh đồng thay thế cho bình hương. Hai bên đỉnh là hai con hạc đồng, mỏ ngậm bông hoa, trên đầu có chỗ cắm nến. Nếu là ngũ sự có thêm hai ống hương và thất sự thì có thêm đôi đèn.
Ngoài ra, các gia đình giàu có còn bày giá binh khí trước bàn thờ có cắm bát bảo lộc bộ (là 8 binh khí của quân sĩ thời xưa). Những đồ tự khí đối với từng gia đình là vật quý vô cùng thiêng liêng, dù túng thiếu đến đâu cũng không một ai dám đem cầm bán.
LƯU Ý PHONG THỦY KHI ĐẶT BÀN THỜ GIA TIÊN
Không kê bàn thờ hướng trực tiếp với cửa
Khi bài trí bàn thờ, gia chủ nên tránh kê bàn thờ hướng trực tiếp với cửa ra vào hoặc phía dưới cửa sổ. Bởi theo quan niệm phong thủy, điều này sẽ làm thoát khí khiến chủ nhà không gặp may mắn. Trong trường hợp diện tích ngôi nhà khiêm tốn, bàn thờ nhìn thẳng với lối cửa vào hoặc đặt tại vị trí mà nhiều người quan sát và nhòm ngó thấy, cần phải làm rèm che lại phía trước và hai bên.
Không đặt bàn thờ ở lối đi lại
Bàn thờ là nơi cần yên tĩnh, thanh tịnh. Vì vậy đặt ở gần lối đi lại ồn ào sẽ khiến gia chủ không gặp may, hao tán tài lộc. Bên cạnh đó, cũng không nên đặt phòng thờ cạnh hoặc dưới phòng trẻ em, sân chơi sẽ làm mất đi sự tĩnh tại cần thiết cho không gian thờ cúng.
Không kê bàn thờ gần nhà vệ sinh, nhà tắm
Bàn thờ là nơi linh thiêng nhất trong nhà. Vì vậy, khi kê bàn thờ gia chủ tuyệt đối không được kê gần nhà vệ sinh, phòng tắm hay khu vực ô nhiễm như gần cống thải… Điều này sẽ làm ô uế không gian thiêng liêng. Nếu nhà quá chật chội thì nên chọn chỗ cao và tránh xa tối đa những chỗ không sạch sẽ.
Không đặt bàn thờ quá lộ liễu
Không gian thờ cúng cần đảm bảo tính tôn nghiêm, trang trọng. Vì vậy, tuyệt đối không nên để người ngoài bước vào nhà là nhìn thấy hết bàn thờ, bài vị và hình ảnh tổ tiên. Nếu nhà có nhiều tầng, bàn thờ nên đặt ở tầng trên cùng. Phía trên bàn thờ là nóc nhà và bầu trời, không có các phòng ốc khác đè lên.
Phía trước bàn thờ là các gian trang trọng, phía sau là cầu thang hoặc các không gian như sân phơi, kho. Trong trường hợp đặt bàn thờ ở tầng dưới hoặc tầng giữa nên tránh phía dưới bàn thờ là bếp lửa; phía trên là nhà tắm, nhà vệ sinh, giường ngủ hoặc các vật nặng nề đè lên.
Còn đối với nhà chung cư, nếu đặt bàn thờ và phòng khách cùng một mặt bằng thì cần có có vách ngăn hoặc tấm bình phong ngăn cách giữa không gian thờ và phòng tiếp khách. Điều này để tránh các tầm nhìn trực tiếp vào khu thờ tự.
Bàn thờ phải luôn sạch sẽ, thông thoáng
Nơi thờ cúng cần được lau chùi sạch sẽ và thường xuyên thắp nhang. Không gian đặt bàn thờ phải đủ thông thoáng. Gia chủ không nên đặt bàn thờ quá cao hoặc quá thấp. Bàn thờ đặt quá cao gây khó khăn cho việc thờ cúng, trong khi đó bàn thờ thấp lại thiếu tính trang nghiêm. Trong trường hợp bàn thờ cao phải đảm bảo khoảng cách tới trần không quá gần, tránh quẩn khói và gây ám vàng trần.
Tăng thêm sinh khí cho nơi thờ tự bằng cây xanh
Để tăng thêm sinh khí cho nơi thờ tự, gia chủ có thể bố trí thêm một hoặc hai cây xanh. Nên lựa chọn cây kim tiền, phát lộc hoặc một số loài cây dễ sống. Không nên lựa chọn cây có gai nhọn, khó sống để tránh trường hợp đang trồng thì chết.
Đặt các loài cây mang ý nghĩa tốt gần bàn thờ sẽ giúp tăng thêm sinh khí và tài lộc cho chủ nhà. Nếu gia đình có điều kiện thì có thể tạo một không gian sơn thủy và cây cối cạnh khu vực thờ tự. Điều này gây hiệu ứng tốt nhất khi muốn có nhiều sinh khí tụ tại đây, tạo phước lành cho mọi người sống trong nhà.
Nguyên tắc chiếu sáng ở phòng thờ
– Phòng thờ của gia đình phải tạo được không khí trang nghiêm, ấm cúng, gần gũi tránh tạo cảm giác lạnh lẽo.
– Phòng thờ thường được bố trí có diện tích nhỏ, do vậy bạn nên chọn những đèn treo nhỏ cho tương xứng với phòng, tránh treo các loại đèn chùm lớn gây mất cân đối. Cần lưu ý là bố trí ánh sáng đèn không được chiếu thẳng vào người ngồi khi hành lễ cúng bái.
– Nếu tường sơn của phòng thờ có màu sáng thì không nên lắp nhiều bóng đèn sẽ ảnh hưởng đến tính chất trang nghiêm của nơi thờ cúng. Chỉ nên bố trí khoảng 2 đến 3 loại ánh sáng.
– Tường có treo tranh nên bố trí hai đèn âm tường cân xứng hai bên bức tranh.
Bày trí trên bàn thờ
Tùy theo kích thước ngôi nhà, điều kiện sinh hoạt… mà việc bày trí bàn thờ gia tiên khác nhau. Thông thường có 1 đến 3 bát hương, bát hương ở giữa thờ chung thần linh thổ địa, bát hương hai bên là thờ gia tiên và bà cô ông mãnh.
Phía trước bát hương: Ở giữa bày cái đài nhỏ, với ba chén đựng nước sạch. Hai bên là hai đĩa bày hoa quả tươi và trầu cau, hoặc tiền vàng mã.
Phía sau bát hương: Là bộ bình để hoa tươi, hương và nến. Tùy theo chất liệu mà sự bày trí cũng khác. Với đồ sứ: Bộ tam sự bao gồm bát hương, hai cây đèn (hoặc hai con hạc đội đèn), bộ ngũ sự có thêm hai bình (dựng cắm hoa tươi và để hương); bộ thất sự có thêm hai bình (đựng nước và gạo). Với đồ đồng: Tam sự có đỉnh đồng thay thế bát hương, và hai con hạc, ngũ sự có thêm hai ống hương và thất sự có thêm đôi đèn. Như vậy, bày trí của đồ đồng có tính trang trí thẩm mỹ là chính còn bày trí của đồ sứ thiên về tính thờ cúng và tâm linh hơn.
Khi bố trí bàn thờ Phật cần cao hơn và tách biệt bàn thờ gia tiên.
Bố trí hoành phi, câu đối phòng thờ
Trong không gian thờ cúng tổ tiên của mỗi gia đình người Việt đều dành một phần trang trọng nhất để treo những bức hoành phi, câu đối. Đây là nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của người dân.
Hoành phi thường được sơn son chữ vàng, có bức hoành phi hình cuốn thư. Chữ viết trên hoành phi đều tỏ lòng tôn kính của con cháu đối với tổ tiên, ghi tụng công đức của tổ tiên, ghi lại những lời răn dạy con cháu, hoặc thể hiện ước nguyện cầu mong sự bình an, thái bình.
Hai bên bàn thờ còn có đôi câu đối. Ngoài dùng trang trí, đôi câu đối còn ghi lại những lời răn dạy con cháu những giá trị đạo đức truyền thống, ca ngợi truyền thống của dòng họ hoặc cầu mong thái bình, thịnh vượng.
Những điều kiêng kỵ với bàn thờ
- Kiêng đặt tượng thần thánh trong phòng ngủ đặc biệt là phòng của vợ chồng.
- Kiêng kỵ về cách cục, trong phong thủy bàn thờ được coi như kháo sơn, cần đặt ở nơi có sơn tinh đang vượng. Như năm nay chúng ta đang ở trong vận 8, bàn thờ nên đặt nơi có Cửu Tử hay Nhất Bạch đáo sơn.
- Kiêng kỵ về thời gian lập bàn thờ: Việc lập bàn thờ thường được tiến hành đồng thời với nhập trạch, nên việc lựa chọn thời gian có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sau này. Ngoài thời gian phù hợp với nhập trạch, cúng tế hay hợp tuổi gia chủ, người ta còn chú ý đến thời điểm có sao Bát Bạch để hóa giải sát khí.
- Kiêng kỵ về người lập bàn thờ: Người xưa cho rằng phụ nữ mang thai có nhiều tạp khí, không nên động chạm vào bàn thờ hay bát hương. Hơn nữa, người bốc bát hương nên là gia chủ, chứ không nhất thiết phải nhờ người khác, cốt sao là sự thành tâm và tay chân sạch sẽ khi thực hiện.
- Kiêng kỵ về bố trí trên bàn thờ: Bàn thờ là nơi thờ cúng gia tiên chứ không phải nơi phô trương hay trưng bày, những thứ không liên quan đến thờ cúng không bày lên bàn thờ, nhất là giấy công đức ở đình chùa. Nếu thờ gia tiên cùng Phật hay thờ mẫu, cần tách riêng bàn thờ Phật hay thờ mẫu, bàn thờ gia tiên để thấp hơn và tách biệt.
- Kiêng kỵ về đồ lễ trên bàn thờ: Quan trọng nhất là hương hoa, tức hương thắp, hoa quả tươi, hoa tươi và nước sạch. Tránh các loại đồ giả như hoa quả nhựa. Đồ thờ cúng xong rồi nên bỏ xuống để thụ lộc, tránh bày để từ tháng này qua tháng khác. Không nên để lễ mặn, hay tiền mặt lên bàn thờ.
>>> Đọc thêm: Cách Sắp Xếp ban THờ Gia Tiên Tài Lộc Ào Ào