PHONG TỤC CỔ TRUYỀN NGÀY TẾT CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

Ngày Tết có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần người dân Việt. Hãy cùng tìm hiểu những phong tục cổ truyền ngày Tết của dân tộc Việt Nam nhé.

Theo truyền thống, nhiều phong tục của người Việt được thực hành trong ngày Tết Nguyên Đán. Vào thời nay, mặc dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi, nhưng người Việt vẫn làm theo những phong tục ấy.

1. Tống cựu nghênh tân

Đây là tục lệ mở đầu cho chuỗi tập tục không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên Đán. Tống cựu nghênh tân tức là tiễn đưa những thứ cũ và đón chào nhiều điều mới mẻ. Hiểu đơn giản đó là công việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa, loại bỏ những món đồ cũ kỹ, vô dụng và mua sắm thêm một số đồ mới cho căn nhà được trang hoàng hơn. Những ngày cuối năm, làng xã sẽ cùng dọn dẹp nhà thờ tổ, đình chùa, đường sá phóng quang… để cầu mong một năm mới an lành, nhiều may mắn.

Tống cựu nghênh tân còn mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần người Việt. Năm hết Tết đến, họ thường tránh xung đột với nhau, mọi điều xưa cũ, xích mích, điều nặng tiếng nhẹ đều được bỏ qua hết. Ai nấy đều tay bắt mặt mừng, chúc nhau những điều tốt lành, vạn sự như ý.

2. Tiễn ông Táo về trời

Ngày 23 tháng Chạp là ngày tiễn ông Công ông Táo về trời. Đây là hoạt động đầu tiên trong những ngày cuối năm báo hiệu một cái Tết sắp đến. Theo dân gian, ông Táo là người canh giữ bếp và nắm mọi hoạt động trong nhà. Ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Táo về trời để báo cáo hoạt động một năm qua của gia chủ với Ngọc hoàng Thượng đế. Để ông Táo “đi” được nhanh chóng và báo cáo tốt thì buổi tiễn phải long trọng với đầy đủ lễ vật, gồm có: nhang (hương), nến, hoa quả, mũ đàn ông, đàn bà và giấy tiền đều bằng vàng mã, cá chép sống bơi trong chậu nước. Cá chép sẽ giúp ông Táo vượt Vũ môn để lên trời gặp Thượng đế.

Ngày nay, đôi khi cá chép sống cũng được thay bằng vàng mã. Tiễn ông Táo đi, người ta cũng không quên đón ông Táo về vào chiều ngày 30 (hoặc 28, 29 nếu là tháng thiếu), trước Giao thừa.

3. Trồng cây nêu ngày Tết

Cây nêu là cây tre cao khoảng 5-6m, được trồng trước nhà, mỗi bên một cây, trên ngọn cây treo những thứ có thể tạo ra tiếng động hoặc hình ảnh phất phơ trong gió (khác nhau tùy theo vùng miền), với ngụ ý là để đánh động, xua đuổi ma quỷ không dám đặt chân vào nhà. Ngày nay, phong tục này hầu như không còn được duy trì ở thành phố vì khó thực hiện được.

4. Câu đối Tết

Để trang hoàng nhà cửa và để thưởng Xuân, trước đây từ các nhà nho cho tới những người bình dân “tồn cổ” vẫn còn trọng tục treo “câu đối đỏ” nhân ngày Tết. Những câu đối này được viết bằng chữ Nho (màu đen hay vàng) trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào, cho nên thường được gọi chung là câu đối đỏ.

5. Gói bánh chưng

Gói bánh Chưng là một nét văn hóa đẹp ngày Tết. Phong tục gói bánh Chưng, bánh Tét là để nhớ về cội nguồn cũng như cầu mong cho năm mới mọi thứ sinh sôi nảy nở (như hạt nếp), no đủ, mọi sự thành công, vuông tròn, tốt đẹp. Ở miền Bắc người ta gói bánh Chưng còn miền Nam gói bánh Tét. Công việc gói bánh trải qua nhiều công đoạn, cần sự hợp tác của nhiều người, mỗi người phụ trách một khâu như rửa lá, lau lá, vo gạo, ngâm gạo, nấu đậu, ướp thịt… rồi lại cùng nhau ngồi trông nồi bánh, ôn chuyện cũ, bàn chuyện mới, sum họp đầm ấm. Ngày nay, do cuộc sống bận rộn, điều kiện ở thành phố hạn chế nên phần nhiều người ta không tự gói bánh mà mua ở ngoài hàng hoặc được biếu để dùng.

6. Bày mâm ngũ quả

Bày mâm ngũ quả cũng là một phong tục không thể thiếu trong ngày Tết của các gia đình Việt. Mâm ngũ quả tượng trưng cho Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, 5 yếu tố cấu thành vũ trụ theo quan niệm của Khổng giáo với nghĩa chung sâu sắc, gắn liền với sự hiếu thảo và mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

7. Quà Tết, lễ Tết

Bình thường qua lại hỏi thăm nhau có khi cũng có quà, biểu lộ mối ân tình, nhưng phong tục ta đi lễ Tết vẫn có ý nghĩa hơn, nhất là đi trước Tết càng quý.

Học trò Tết thầy giáo, bệnh nhân Tết thầy thuốc, con rể Tết bố mẹ vợ… Quà biếu, quà Tết đó không đánh giá theo giá thị trường, quan trọng là ở tấm chân tình mọi người dành cho nhau.

Theo truyền thống, nhiều phong tục của người Việt được thực hành trong ngày Tết Nguyên Đán. Vào thời nay, mặc dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi, nhưng người Việt vẫn làm theo những phong tục ấy.

8. Cúng giao thừa

Theo dân gian, nguồn gốc của phong tục này là để tạ ơn trời đất. Hầu như nhà nào cũng có một mâm cỗ cúng Giao thừa với một con gà luộc để nguyên không chặt, trái cây, mứt, bánh kẹo mỗi thứ một ít, hai cây nến, giấy tiền vàng mã và nhang (hương). Khi thời khắc Giao thừa đến thì đặt mâm cúng ở trước sân, đối diện giữa cửa chính, người chủ gia đình sẽ thắp nhang lạy tạ trời đất và cầu xin mọi điều tốt lành cho gia đình mình.

9. Hái lộc

Người Việt thường đi hái lộc vào đêm giao thừa hoặc sáng mồng một để cầu một năm mới luôn may mắn và viên mãn, rước lộc về nhà.

10. Xông đất

Xông đất là một phong tục rất quan trọng của người Việt với quan niệm rằng, người xông đất sẽ quyết định cả một năm vui vẻ, phát đạt hay không may mắn của mình. Vì thế, người Việt thường mời những người có vận may, có tuổi hợp với chủ nhà đến xông đất vì họ tin rằng, người đó sẽ mang may mắn, điềm lành trong suốt cả một năm. Người xông đất phải ăn mặc chỉnh tề, sau đó phải đi hết 1 vòng quanh nhà với hi vọng may mắn sẽ luôn tràn ngập.

11. Chúc Tết

Vào ngày mồng một Tết, người Việt Nam có phong tục đi chúc Tết họ hàng, bạn bè và những người thân quen của mình.

12.Mừng tuổi

Đi kèm với chúc Tết là phong tục mừng tuổi. Người lớn sẽ mừng tuổi trẻ con một ít tiền nhỏ để trong một phong bì đỏ (gọi là bao lì xì) để “tặng lộc” cho bé. Món tiền chỉ là tượng trưng, không nặng về vật chất, miễn sao đồng tiền mới, phẳng phiu, không dùng tiền cũ nát..

Ngày nay, đây có lẽ là phong tục bị “thương mại hóa” nhiều nhất vì khá nhiều người tạo cho mình, con em mình thói quen đòi nhận tiền mừng tuổi với giá trị lớn, và một phần người lớn biến việc mừng tuổi thành việc trao đổi khi tặng món tiền giá trị lớn cho trẻ em nhằm “lấy lòng” cha mẹ chúng để được cái lợi nào đó.

13. Lễ vật cúng mùng 1 Tết

Sau đêm Giao thừa, sáng mùng 1 Tết mọi người quây quần bên nhau trong không khí ấm cúng sum họp gia đình. Những nén hương thơm được con cháu thay nhau thắp trên bàn thờ gia tiên bên mâm cỗ thịnh soạn.

Sáng mồng một Tết làm cỗ cúng gia tiên, cúng Thổ công, Táo quân, v.v… Sau đó là cả nhà chúc tụng lẫn nhau, đi thăm hỏi chúc Tết bà con, hàng xóm láng giềng ăn Tết.

Lễ vật cúng ngày mùng 1 Tết cũng giống như cúng Gia tiên. Vật phẩm gồm: Mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét). Cỗ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm ngon tinh khiết, bày biện đầy đặn, trang nghiêm.

Sau khi người gia trưởng khấn lễ xong thì các thành viên trong gia đình lần lượt theo thứ tự tới chấp lễ trước bàn thờ hay mâm cúng.

Cần lưu ý khi cúng gia tiên, tiền bạc, vàng mã phải để nguyên và đốt nhang đèn suốt ba ngày Tết cho đến lễ Hóa vàng ngày mùng 3.

14. Cúng Hóa vàng mùng 3 Tết

Lễ Hóa vàng là lễ cúng đưa ông bà. Có gia đình cúng ngày mùng ba, có khi mùng bốn. Họ làm mâm cơm cúng gia tiên, rồi đem bao nhiêu vàng mã đã cúng trong ba ngày Tết ra hóa. Những vàng mã dành cho người mới mất trong năm qua thì được hóa riêng.

Khi hóa vàng xong thì người ta vẩy vào mấy giọt rượu cúng trên bàn vì tục cho rằng có làm như thế mới thiêng, ở cõi âm các cụ mới nhận được và vàng mã đó mới tiêu được ở âm phủ. Hai cây mía cũng được đem hơ trên đống tàn vàng. Hai cây gậy các cụ theo tín ngưỡng được coi là đòn gánh gánh vàng về cõi âm và là vũ khí chống lại bọn quỷ sứ muốn cướp vàng đi. Trong bữa cơm hóa vàng, con cháu tề tựu đầy đủ, thân mật và sau đó chia tay, chấm dứt mấy ngày Tết.

Lễ vật giống như lễ cúng gia tiên: Mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét). Cỗ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm ngon tinh khiết, bày biện đầy đặn, trang nghiêm. Trong đó, nếu cúng mặn không thể thiếu con gà trống.

15.Cúng Tết nhà, Tết vườn, Tết giếng

Ngoài Lễ Hóa vàng ngày mùng 3 còn có 3 lễ cúng, đó là cúng Tết Nhà, Tết Vườn và Tết Giếng. Lễ này thường gặp ở nông thôn có giếng tự đào lấy nước, có sân vườn trồng cây ăn trái…

Mùng Hai hoặc mùng Ba ngày nào tốt thì cúng Tết nhà, đặt bàn giữa nhà. Lễ vật gồm hương đăng, trà quả, bánh trái… để cúng vị “Chúa Tiên huyền nữ, mộc trụ thần quan”. Theo tập quán xưa, chiều 30 tháng Chạp, người ta quét nhà sạch sẽ, khóa tủ kín đáo, đến khi cúng Tết Nhà xong mới được quét nhà mở tủ, bỏ vào vài đồng bạc để lấy hên đầu năm, lấy giấy tiền dán lên cột nhà đầu tủ để mong năm mới tiền vô như nước.

Cúng Tết Vườn thì đặt bàn trong vườn để cúng “Hoàng Thiên Hậu Thổ, Long Thần quản cuộc”, lễ vật giống như Tết Nhà. Cúng xong lấy giấy vàng bạc dán lên vài ba cây để mong cho vườn tược tươi tốt cây trái sum suê. Từ đó mới được hái trầu cau, xé lá chuối, động đất (đào đất).

Cúng Tết Giếng thì đặt bàn cạnh giếng để cúng “Thủy Long Thần Nữ” cầu cho nước giếng được tốt lành, lễ vật cũng giống như Tết Nhà. Theo tập tục chiều 30, người ta lo múc nước đổ đầy lu, đầy ghè để dự trữ. Cúng xong, đốt giấy vàng bạc và bỏ 3 đồng tiền xuống giếng mới được múc nước dùng.

Ba lễ cúng trên đây có nhiều nhà không cúng riêng từng địa điểm mà cúng chung một chỗ.

16. Xuất hành

Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm mới. Người ta tin rằng hướng đi này sẽ có ảnh hưởng tới tương lai của mỗi người trong năm sắp tới. Cho nên, theo tuổi tác của mình, mỗi người xem sách lịch để chọn hướng đi và giờ bắt đầu cho thích hợp. Tục lệ này có vẻ hoang đường, ngày nay nhiều người không còn tin theo. Hơn nữa, cửa nhà và đường sá ngày nay được xây dựng theo phương hướng cố định, chúng ta khó mà chọn được hướng đi như trong sách lịch nói.

Trước khi xuất hành, một số người chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý nhân, Tài thần, Hỷ thần…

17. Khai bút và xin chữ đầu năm

Vào những ngày đầu năm, rất nhiều gia đình Việt Nam thường thực hiện nghi thức “khai bút đầu xuân” hay còn gọi là “khai bút tân xuân” hoặc “minh niên khai bút” với ước mong một mùa xuân may mắn, thi cử đỗ đạt, học hành tấn tới và vạn sự tốt lành trong năm mới.

Khai bút đầu xuân không phải là một phong tục bắt buộc trong ngày Tết nhưng đã có từ rất lâu đời trong văn hóa của người Việt chúng ta. Theo quan niệm của người xưa, tục Khai bút đầu xuân mang ý nghĩa linh thiêng và thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc. Bởi đối với người Việt, cây bút là một công cụ gắn bó với đời sống trí tuệ và tâm hồn, trở thành một biểu tượng thiêng liêng trong đời sống. Khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề, khai nghiệp… Không chỉ có những người gắn với nghiệp cầm bút thì mới khai bút mà bất kỳ ai cũng có thể thực hiện nghi thức này để thể hiện tâm tư, bày tỏ ước muốn, nguyện vọng của mình trong năm mới hay tự nhắc nhở bản thân hướng đến những điều tốt đẹp để phấn đấu.

Tục khai bút đầu xuân không chỉ thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta mà còn thể hiện tính Chân – Thiện – Mỹ và được thổi vào đó một ý nghĩa tâm linh chính là ước nguyện trong năm mới của người thực hiện nghi thức này. Khai bút đầu xuân là một phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta trong những ngày đầu năm. Mặc dù trải qua thời gian dài có những biến đổi của thời cuộc, văn hóa Việt Nam chúng ta cũng chịu rất nhiều ảnh hưởng từ những nền văn hóa khác, song tục khai bút đầu xuân vẫn giữ nguyên giá trị cho đến ngày nay. Đây là một phong tục nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của dân tộc cần được gìn giữ và lưu truyền lại cho thế hệ mai sau.

18. Phong tục kiêng cữ

Kiêng là những điều không được làm. Trong những ngày Tết, những điều gì xấu đều phải kiêng. Sau đây là một số điều thường được kiêng: quét nhà, đổ rác (vì sợ quét, đổ đi những điều may mắn); nói những điều tục tĩu; mặc quần áo trắng (sợ có tang); nói tới những chuyện chết chóc, những điều xui xẻo. Những điều kiêng cữ này đều có vẻ hoang đường, ngày nay tuy nhiều người không tin nữa, nhưng một số đông khác vẫn còn giữ.

Theo quan niệm của người xưa, quét nhà vào những ngày đầu xuân là quét đi những tài lộc, thì xem như năm đó gia cảnh sẽ nghèo túng, khánh kiệt. Khi hốt rác trong nhà đổ đi thì thần Tài sẽ đi mất. Vì vậy, mọi người thường chỉ quét nhà nhưng lại không quét ra ngoài cửa. Thay vào đó, vào ngày cuối cùng của năm cũ, mọi người trong gia đình sẽ tổng vệ sinh nhà cửa thật sạch sẽ để đón năm mới. Tuy nhiên hiện nay người ta chỉ còn kiêng đến hết ngày mùng một thì thôi.

19. Văn khấn trong lễ Tết

Văn khấn mẫu cúng gia tiên

Nước CHXHCN Việt Nam, năm… (tên gọi của năm theo âm lịch) ngày mùng một tháng Giêng, tiết xuân.

Nay con giữ việc phụng thờ tên là ……………(họ tên người khấn), quán tại phường… quận… thành phố (tỉnh)…, hiện nay toàn gia cư trú tại địa chỉ …………..…đồng gia quyến cúi đầu trăm bái.

Kính cẩn có hương đèn, vàng bạc, hoa quả, cỗ bàn, rượu nước, trầu cau cùng mọi phẩm vật dâng lên.

Kính mời các cụ họ… kỵ, cụ, ông bà, cha mẹ, chú bác, anh em, cô dì, chị, em cùng về chứng giám.

Dám mong:

Tiên tổ bảo hộ gia đình, từ già đến trẻ, hạnh phúc an khang, không tai vạn sự hanh thông, người tăng, vật vượng.

Thượng hưởng.

Văn khấn Tổ tiên mùng 1 Tết

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Kính lạy:

Đức Đương Lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật.

Các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, Bá thúc huynh đệ, Cô dì tỷ muội, đường thượng tiên linh các hương hồn nội tộc, ngoại tộc.

Nay theo Tuế luật, Âm Dương vận hành tới tuần Nguyên Đán, mùng Một đầu xuân mưa móc thấm nhuần, đón mừng năm mới. Con cháu tưởng niệm ân đức Tổ Tiên, như trời cao biển rộng, khôn đem tấc cỏ báo ba xuân. Do đó chúng con cùng toàn thể con cháu trong nhà sửa sang lễ vật, oản quả hương hoa kính dâng lên trước án.

Kính mời các cụ Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Bá thúc đệ huynh, Cô dì tỷ muội, nam nữ tử tôn nội ngoại. Cúi xin thương xót con cháu, linh thiêng giáng về linh sàng, hưởng lễ vật. Phù hộ độ trì cho con cháu năm mới an khang, mọi bề thuận lợi, sự nghiệp hanh thông. Bốn mùa không hạn ách nào xâm, tám tiết có điềm lành tiếp ứng. Tín chủ lại mời: các vị vong linh, tiền chủ, hậu chủ ở trong đất này cùng về hưởng.

Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.

Cẩn cáo.

Văn khấn lễ tạ năm mới (mồng 3 Tết)

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Kính lạy:

– Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn Thần.

– Ngài Đương niên, Ngài Bản Cảnh Thành Hoàng, các Ngài Thổ Địa, Táo Quân, Long Mạch Tôn Thần

– Các Tổ Khảo, Tổ Tỷ, nội ngoại tiên linh. Hôm nay là ngày mồng Ba tháng Giêng năm …..

Tín chủ chúng con …

Ngụ tại …

Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cúng dâng trước án. Kính cẩn thưa trình: Tiệc xuân đã mãn, Nguyên Đán đã qua, nay xin thiêu hoá kim ngân, lễ tạ Tôn Thần, rước tiễn tiên linh trở về Âm giới.

Kính xin: lưu phúc lưu ân, phù hộ độ trì, dương cơ âm mộ, mọi chỗ tốt lành. Cháu con được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng. Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.

Cẩn cáo.

Qua đây, Phong Thủy Lộc Tài hy vọng quý độc giả đã có được những thông tin hữu ích về các phong tục cổ truyền của dân tộc Việt vào ngày Tết Nguyên Đán. Nếu cần được tư vấn thêm, quý vị vui lòng liên hệ đến:

Công ty TNHH Kiến Trúc Phong Thủy Lộc Tài

Hotline: 0989.349119

Địa chỉ Hà Nội: 232 Phạm Văn Đồng , Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0989349119