Trong phong thủy có một khái niệm mà ai cũng đã nghe qua một lần, đó là “Long”. Tuy nhiên “Long” nghĩa là gì thì chắc hẳn nhiều quý độc giả còn thắc mắc.
Đối với mỗi một cuộc đất, hay một ngôi nhà, nếu đứng từ Trung tâm cuộc đất, hay từ tâm của ngôi nhà, nhìn ra Hướng của cuộc đất, hay Hướng của ngôi nhà đó, thì phần địa hình, môi trường ở phía bên trái cuộc đất hay ngôi nhà ấy đều được gọi là Thanh long, phần địa hình, môi trường ở phía bên phải được gọi là Bạch hổ, phần địa hình, môi trường ở phía sau được gọi là Huyền vũ, phần địa hình, môi trường ở phía trước được gọi là Chu tước và còn gọi là Minh đường.
Phong thủy học chia Long ở trên mặt đất ra làm hai loại, Sơn Long và Thủy Long. Sơn Long là những dãy núi, dãy đồi hay dải đất, tùy theo mức độ to nhỏ, dài ngắn khác nhau mà Phong thủy gọi tên các loại Long khác nhau như Tổ long, Đại cấn long, Tiểu cán Long hay Chi long.
Thuật Phong Thủy còn dựa vào hình dáng, thế núi, đặc điểm hình thể các dải đất, dải đồi để chia ra các loại Long khác nhau như:
Xuất dương Long là thế núi hay đồi có hình dài, hơi uốn lượn, một đầu cao vút lên, có hình dạng lớn hơn đầu kia, tựa như con Rồng đang cất đầu vươn lên.
Phi Long là thế núi hay đồi có hình dài, uốn lượn, có các chi đều nhau ở hai bên, chia thành nhiều nhánh cùng xuôi về một phía, như con Rồng đang bay lượn trên không trung.
Đằng Long là thế núi hay đồi có hình dài, uốn lượn thành nhiều khúc, các chi không đều nhau, như con Rồng bay là là ở trên mặt đất.
Hồi Long là thế núi hay đồi có một đầu uốn gấp khúc quay ngược trở lại, còn đầu kia thì uốn lượn, như con Rồng đang bò trên mặt đất, đột nhiên quay đầu lại. Giáng Long là thể núi có dạng ngắn hơn đằng long, một bên là sườn dốc đứng, một bên sườn dốc thoải hơn, các chi có tư thế khác nhau, như con Rồng đang từ trên cao đi xuống.
Ngọa Long là thế núi hay đồi có hình dài, chi hơi uốn lượn, độ dốc thoải, các chi thẳng đều ở hai bên, như con Rồng đang nằm nghỉ ngơi thư giãn, Lĩnh quần Long là thế núi hay đồi có nhiều dãy tạo thành một quần thể, vừa uốn lượn, vừa nhấp nhô thành nhiều đoạn, nhiều khúc, giống như nhiều con Rồng cùng hội tụ về một phía v.v… Từ những hình thế của Long như đã nêu ở trên, thuật Phong thủy đã kết hợp với các dòng nước chảy (Thủy) để tìm ra những vùng đất có Khí tốt hội tụ.
Ngoài các dãy núi, dãy đồi gọi là Long ra, thuật Phong thủy còn gọi các dạng đồi, núi, hay vật thể giống hình con gì hay dạng vật gì, công cụ gì, thì đặt tên cho con vật ấy hay công cụ ấy, đây cũng là một trường phái trong Phong thủy học.
Còn Thủy Long là những dòng sông, dòng suối chảy quanh co, uốn khúc ở trên mặt đất, có dòng chảy dài hàng trăm, hàng ngàn km, có dòng chảy ngắn chỉ vài km, thậm chí có dòng chảy chỉ vài chục mét cũng được gọi là Thủy long. Sông suối nhỏ thường chảy ra sông lớn hay chảy ra ao hồ, còn những dòng sông lớn thường chảy ra biển cả. Nơi có dòng chảy uốn lượn hay nơi có những ao hồ, đầm nước, là nơi có Khí tụ tốt hơn những nơi khác gọi là Long thủy tụ. Sông càng dài càng có nhiều khúc quanh sẽ có nhiều khí tốt tụ về, chính những nơi này sẽ tạo nên những vùng đất tốt gọi là những vùng đất Địa linh. Nơi có dòng chảy uốn lượn sẽ tạo nên hai bên bờ hai vùng đất khác nhau gọi là bên nước bao và bên nước lấn. Bên nước bao thường có Long khí tụ nhiều hơn, nên có nhiều vị trí, địa điểm xây dựng tốt hơn bên nước lấn, vì nước chỉ bao vòng về một bên nên bên nước lấn có Long khí tụ kém hơn. Những vùng đất thuộc bên nước bao được Phong thủy học gọi là vùng đất có nhiều vượng khí, từ những vùng đất vượng khí này sẽ sinh ra những người anh hùng hào kiệt, họ là những người có công lao rất lớn trong việc xây dựng và bảo vệ về lợi ích, về lãnh thổ cho quốc gia dân tộc.
(Theo Khương Văn Thìn – Nhà nghiên cứu Kinh dịch và Phong thủy)