Trung Thu là Tết đoàn viên, là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam bởi nó mang trong mình một câu chuyện vô cùng ý nghĩa và thú vị.
Nguồn gốc của Tết Trung Thu
Tết Trung Thu theo Âm lịch là vào ngày Rằm tháng 8 hằng năm. Đây đã trở thành một ngày lễ cho trẻ em, còn được gọi là Tết trông trăng hay Tết hoa đăng. Đứa trẻ nào cũng mong ngóng đến ngày Trung Thu bởi không chỉ là được nhận những món đồ chơi, được ăn bánh nướng, bánh dẻo, mà còn được tham dự vào những nghi lễ truyền thống vô cùng thú vị trong ngày này.
Tết Trung Thu – Một trong ngày lễ được trẻ em trên khắp cả nước mong ngóng mỗi dịp thu về (Ảnh minh họa)
Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ, tham gia múa lân, múa sư tử để được vui chơi thỏa thích. Tại Trung Quốc và các khu phố người Hoa trên thế giới còn có tổ chức bắn pháo hoa trong ngày này.
Từ ngàn năm nay, cứ mỗi dịp thu về, người ta lại nô nức chào đón tết trung thu. Dưới ánh trăng vằng vặc, trẻ con cùng người lớn quây quần, cùng nhau phá cỗ, trò chuyện, cầu nguyện những điều bình an nhất đến với toàn gia. Nhiều người bảo rằng Tết Trung Thu của Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng trên thực tế khi đi vào những giai thoại thì người Việt Nam và người Trung Quốc đều có những câu chuyện khác nhau để giải thích về nguồn gốc của dịp đặc biệt này. Nếu như trung thu của người dân Trung Quốc là câu chuyện tình giữa Hằng Nga và Hậu Nghệ, thì tại Việt Nam lại là một câu chuyện về chú Cuội, chị Hằng và hình ảnh cây đa.
Câu chuyện về Tết Trung Thu còn có một giai thoại gắn liền với một nhân vật lịch sử, đó là vua Đường Minh Hoàng. Chuyện kể rằng vào đêm rằm tháng 8 Âm lịch, vua dạo chơi ở vườn Ngự Uyển dưới ánh trăng tròn và trong sáng, không khí vô cùng mát mẻ. Nhà vua đang thưởng thức cảnh đẹp thì gặp đạo sĩ La Công Viễn còn được gọi là Diệp Pháp Thiện. Đạo sĩ có phép tiên đã đưa nhà vua lên cung trăng. Nhà vua mải mê trước tiên cảnh, trước những âm thanh du dương cùng ánh sáng huyền diệu mà xém quên mất giờ về. Về tới hoàng cung, nhà vua vẫn còn vấn vương cảnh tiên nên đã cho sáng tác ra Khúc Nghê Thường Vũ Y và cứ đến đêm rằm tháng 8 lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng, trong khi nhà vua cùng Dương Quý Phi uống rượu dưới trăng, ngắm đoàn cung nữ múa hát để kỷ niệm lần du nguyệt điện kỳ diệu của mình.
Kể từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc trong ngày rằm tháng tám đã trở thành phong tục của dân gian. Người Hoa và người Việt đều tổ chức rước đèn, phá cỗ mỗi dịp đến Trung Thu. Đây được xem là dịp để cả nhà cùng nhau quây quần, cùng trông trăng, ăn bánh uống trà và cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất đến với những người thân của mình.
Ý nghĩa của những hình ảnh quen thuộc trong Tết Trung Thu
Mặt trăng: Đây là hình ảnh báo hiệu cho một ngày Rằm Trung Thu tốt lành. Ánh trăng tròn gợi đến sự sung túc, đủ đầy, ấm no, hạnh phúc. Bởi vậy, trong những ấn phẩm trung thu, không thể thiếu hình ảnh của mặt trăng tròn vành vạnh, và ngay cả hình ảnh của những chiếc bánh trung thu trên mâm phá cỗ cũng có hình tròn tựa mặt trăng.
Hình ảnh chị Hằng đã gắn liền với dịp Tết Trung Thu của rất nhiều bạn nhỏ (Ảnh minh họa)
Chị Hằng: Có người dân Việt Nam nào mà không biết đến câu chuyện đến câu chuyện cổ tích về chị Hằng và chú Cuội. Dân gian truyền lại rằng có một người thiếu nữ tên là Hằng Nga vô cùng xinh đẹp và hiền hậu, được hóa thành tiên nữ sống ở cung trăng. Nàng luôn ban cho trần gian may mắn và bình an. Vì vậy, đây là một hình ảnh mang tính biểu trưng cao, là hình ảnh thể hiện khát vọng của con người về một cuộc sống yên bình, hòa thuận và hạnh phúc. Cũng từ ý nghĩa này mà phong tục “bái nguyệt” ra đời và truyền đi rộng rãi.
Đèn lồng: Đây là một trong những hình ảnh không thể thiếu trong Trung Thu. Đèn lồng tượng trưng cho sự may mắn, bình an. Hiện nay ở nhiều nơi, người ta sử dụng đèn hoa đăng hoặc đèn Khổng Minh để có thể ghi những ước nguyện, cầu mong của mình vào, sau đó thả trôi hoặc thả lên trời với hy vọng những điều cầu mong sẽ thành sự thật.
Tranh dân gian về múa Lân – Sư – Rồng (Ảnh minh họa)
Múa Lân – Sư – Rồng: Theo phong tục, hoạt động này mang lại sự may mắn, xua đuổi tà khí, trừ tà và giảm nhẹ tai ương cho gia đình. Vì những ý nghĩa tốt đẹp này mà múa lân trở thành một trong số những hoạt động không thể thiếu trong dịp Tết Trung Thu nhằm mang lại những màn trình diễn vui vẻ, khuấy động không khí tươi vui và sôi động cho ngày Trung Thu thêm náo nhiệt và vui vẻ hơn.
Bánh nướng là một thức phẩm không thể thiếu trên mâm cố Trung Thu (Ảnh minh họa)
Bánh Trung Thu: Dường như đây là một trong những thức phẩm không thể thiếu trên mâm cỗ Trung Thu của mỗi nhà. Chỉ là một chiếc bánh được làm từ bột mì, bột đường và nhân đơn giản như sen, đậu xanh, đậu đỏ, giăm – bông, hạt điều, mứt bí,…nhưng bánh Trung Thu thực sự đã mang tới được một hương vị vô cùng đặc biệt, gắn kết cả gia đình lại với nhau. Bánh dẻo trắng như hình ảnh mặt trăng tròn vào đêm Trung thu, màu nâu của vỏ bánh nướng tượng trưng cho đất. Hình ảnh bánh nướng, bánh dẻo trên mâm cỗ vào ngày Rằm Trung Thu dường như tạo nên sự giao thoa của trời – đất, tạo nên cảm giác ấm cúng, gần gũi, mang nhiều giá trị về cuộc sống.
Trung Thu là một trong những phong tục lâu đời của người Việt, là dịp để đoàn tụ, để tỏ lòng hiếu kính với ông bà, bố mẹ bằng những món quà, những lời thăm hỏi. Chúng ta cần cố gắng gìn giữ, bảo tồn và duy trì những nét đẹp trong phong tục này để nó sống mãi với thời gian và lan tỏa đi nhiều thông điệp ý nghĩa!