Tục ăn trầu là một trong những mỹ tục đẹp của người Việt ta, cần được các thế hệ sau bảo tồn và duy trì phát triển.
Tuy ngày nay tục ăn trầu không còn phổ biến, nhưng những giá trị tinh thần chứa đựng trong đó vẫn còn tồn tại. Nó không chỉ là nét văn hóa đơn thuần mà còn ghi lại những dấu ấn lịch sử của một thời quá khứ đã qua của cha ông ta.
Các bạn trẻ ngày nay có thể nhìn thấy những miếng trầu cau đẹp mắt xuất hiện trong những ngày lễ lớn nhỏ của gia đình như những vật phẩm không thể thiếu. Nhưng có lẽ, sẽ không mấy ai hiểu được nguồn gốc và ý nghĩa của nó.
Nguồn gốc của tục ăn trầu
Tục ăn trầu có từ rất sớm, nhưng phải đến cuối thế kỷ XV, sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp mới có ghi chép rõ ràng thành câu chuyện và mang ý nghĩa lịch sử, nhân văn sâu sắc.
Sự tích thuộc dạng văn học truyền miệng và có nhiều dị bản. Câu chuyện kể là vào đời vua Hùng Vương thứ tư có hai anh em Tân và Lang rất thương yêu nhau. Tân sau khi có vợ thì không còn chăm sóc đến em như trước nữa. Lang lấy làm buồn rầu và bỏ nhà ra đi. Tới bên bờ suối thì Lang mệt quá, gục xuống chết và hóa thành tảng đá vôi. Tân không thấy em về, vì thương em nên quyết đi tìm. Đi đến bờ suối thì Tân mệt lả và chết, biến thành cây cau bên tảng đá vôi. Vợ Tân không thấy chồng cũng bỏ đi tìm. Nàng tìm đến bờ suối, ngồi dựa vào thân cau mà chết, biến thành dây trầu không. Trầu, cau và vôi khi quyện lại với nhau tạo ra sắc đỏ như máu nên sau có vua Hùng Vương đi tuần qua đó, nghe thấy câu chuyện trên mà dạy cho dân Việt hãy dùng ba thứ vôi, cau và trầu làm biểu tượng tình nghĩa thắm thiết anh em, vợ chồng. Ngôi đền thờ ba người hiện nay là đền Tam Khương ở làng Nam Hoa, huyện Nam Đàn (Nghệ An) mà các triều đại phong kiến vẫn có sắc phong tặng.
Trong sự tích này, tác giả muốn giải thích cho mọi người hiểu một điều rằng dân tộc ta đã có một đời sống văn hóa cao ngay từ thời xa xưa, thể hiện qua tục ăn trầu hay nhiều tập tục khác Dân tộc Việt Nam có truyền thống lấy gia đình làm gốc, anh em biết thương quý nhau, trên kính dưới nhường, vợ chồng lấy nhau vì tình nghĩa, người phụ nữ luôn thủy chung son sắt với chồng… Không phải đợi đến khi phong kiến Trung Hoa sang đô hộ, giáo hóa, thì dân ta mới biết thế nào là nghĩa và hiếu lễ.
Cũng bởi sự tích Trầu cau có ý nghĩa sâu sắc như vậy, nên tục ăn trầu cau của dân ta càng được tôn vinh và trở thành mỹ tục độc đáo, mang tính đặc thù của một nền văn minh cổ Đông Nam Á.
Cho đến bây giờ, trầu cau vẫn là những thứ không thể thiếu được trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt hiện đại, từ mâm cơm cúng gia tiên đến những lễ lớn nhỏ như cưới xin, ma chay, lễ hội….Cũng chính bởi tình duyên của 3 người trong sự tích Trầu cau tuy đã chết mà vẫn keo sơn, thắm thiết nên trong mọi sự gặp gỡ của người Việt Nam, miếng trầu bao giờ cũng là đầu câu chuyện, để bắt đầu một mối lương duyên.
Ngoài sự tích trầu cau, hình ảnh thắm đượm tình người này còn được xuất hiện rất nhiều trong kho tàng thơ văn Việt Nam.
Ba đồng một mớ trầu cây
Sao anh không hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra
Hay là:
Gặp nhau ăn một miếng trầu
Gọi là nghĩa cũ về sau mà chào
Miếng trầu đã nặng là bao
Muốn cho đông liễu tây đào là hơn!
Miếng trầu kể hết nguồn cơn
Muốn cho đây đẩy duyên nào hợp duyên
Hình ảnh miếng trầu quả cau đã đi vào thơ ca, tục ngữ, ca dao từ ngàn đời này thật bình dị và gần gũi. Chính bởi ý nghĩa tốt đẹp của nó mà từ xưa tới nay, hình ảnh trầu cau luôn đại diện cho sự khởi đầu tốt đẹp, cho những tình cảm nồng thắm mà dung dị, dễ gần. Nó đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa của người Việt ta mà mỗi chúng ta đều cần gìn giữ.
Trầu có vị như thế nào?
Vị cay nồng của trầu không phải ở món ăn nào cũng có thể nếm được (Ảnh minh họa)
Miếng trầu gồm bốn loại nguyên liệu: Cau (vị ngọt), lá trầu không (vị cay), rễ (vị đắng), vôi (vị nóng). Cây cau vươn cao biểu tượng của trời (dương). Vôi chất đá biểu tượng của đất (âm). Dây trầu mọc từ đất, quấn quýt thân cây cau, biểu tượng cho sự trung gian. Miếng trầu gồm miếng cau, lá trầu quết vôi, phụ thêm miếng vỏ cây chát (miếng rễ).
Vậy người Việt thực hiện tục ăn trầu như thế nào?
Người Việt ăn trầu thường có một bộ dụng cụ không thể thiếu gồm: cơi đựng trầu, bình vôi, chìa vôi, ống nhổ, dao bổ cau, ống ngoáy, chìa ngoáy… có thể được làm bằng vàng, bạc hay gốm và được chạm trổ khá tinh xảo thể hiện tầng lớp giàu nghèo theo từng thời kỳ khác nhau.
Việc têm trầu đòi hỏi sự khéo léo rất cao, một miếng trầu bao gồm cau, lá trầu, thuốc xỉa và vôi, và để miếng trầu đẹp thì các nếp gấp của miếng trầu đều phải vuông vắn.
Cách ăn trầu cũng có nguyên tắc và sự phân biệt rõ ràng theo thứ bậc và độ tuổi. Nếu khách là người ở tuổi trung niên, có thể nhai miếng trầu trực tiếp và tận hưởng hương vị cay, thơm của miếng trầu. Nếu là người già, sẽ cho miếng trầu tiêm vào ống ngoáy để ngoáy cho mềm và sau đó mới nhai trầu.
Nghệ thuật têm trầu
Để têm được miếng trầu đẹp, gồm: cau, lá trầu, thuốc xỉa và vôi, đòi hỏi người têm trầu phải khéo tay, gấp nếp miếng trầu vuông vắn. Têm trầu cánh phượng là một nghệ thuật của người Hà Nội mà không phải ai cũng có thể làm được “Quả cau nho nhỏ, lá trầu xanh.”
Người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung xưa kia coi việc têm trầu là một nghệ thuật. Nói đến trầu têm cánh phượng là nói đến miếng trầu vùng Kinh Bắc. Cũng vẫn nguyên liệu ấy, nhưng cách têm đẹp, kiểu cách, đã thể hiện sự khéo léo của những liền chị, người gái quê Kinh Bắc. Vì thế, miếng trầu có sức hấp dẫn đặc biệt và để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai, dù chỉ một lần được mời.Nhìn miếng trầu têm có thể phán đoán được tính cách, nết người têm trầu.
Miếng trầu têm vụng về là người không khéo tay; miếng trầu nhỏ miếng cau to là người không biết tính toán làm ăn; miếng trầu quệt nhiều vôi là người hoang phí không biết lo xa. Cách ăn trầu của người Hà Nội rất duyên dáng. Họ ăn trầu để làm đỏ môi, đen răng và tạo ra nét môi cắn chỉ rất đẹp. Khi ăn trầu, người Hà Nội không cho cả trầu và rễ vào một lúc mà ăn từng thứ một. Cau được nhai dập, rễ trầu được quét vôi rồi khi ăn, người ta lấy tay quệt ngang miệng để tạo nét môi cắn chỉ.
Tục ăn trầu đang mai một dần và có nguy cơ biến mất trong tương lai
Ngày nay, tục ăn trầu và mời trầu không còn phổ biến như xưa, có chăng chỉ là lễ vật mang tính tượng trưng trong các ngày lễ.
Trầu cau giờ chỉ còn là một nét đẹp trong thơ ca, một điều buộc phải có trong những dịp đặc biệt chứ không còn là một phong tục truyền thống và phổ biến như trước kia nữa (Ảnh minh họa)
Cô Lê Thị Hường (53 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Đám cưới con tôi vừa rồi cũng sắm trầu têm cánh phượng khá đẹp để mời quan khách, nhưng chỉ có vài cụ cao tuổi biết ăn thôi, cả khay trầu mua mất khá nhiều tiền xong cũng để không đó”.
Bàn về việc phong tục ăn trầu đang ngày càng bị mai một trong văn hóa của người Việt, GS.TS Ngành văn hóa Trương Quốc Bình cho rằng:
“Ăn trầu là một phong tục lâu đời ở Việt Nam, nó không chỉ là văn hóa Việt đơn thuần mà còn chịu ảnh hưởng giao lưu của các nền văn hóa khác, đặc biệt là Ấn Độ. Cho đến bây giờ, tục ăn trầu ở Ấn Độ vẫn còn rất phổ biến, bên cạnh trầu truyền thống, người ta còn sản xuất trầu công nghiệp bằng cách nghiền các nguyên liệu rồi đóng hộp bán ra thị trường.
Ở Việt Nam, việc ăn trầu được tạo từ những nguyên liệu chính như quả cau, lá trầu, cái mỏ và những thứ khác như thuốc lào, vôi… Tuy nhiên, việc ăn trầu chỉ còn ở những phụ nữ cao tuổi ở nông thôn và đến giờ trầu cau chủ yếu được sử dụng để làm vật phẩm tượng trưng trong các dịp tết lễ như đám cưới, chứ không để ăn hàng ngày nên chúng ngày càng bị mai một đi.
Đồng thời, tục ăn trầu còn kèm theo cả tục nhuộm răng, bởi trước kia chuẩn mực đẹp còn được đo bởi hàm răng đen, nhưng xu hướng đó không còn phù hợp với thực tế hiện đại ngày nay nữa, nên đó cũng là lý do khiến tục ăn trầu không còn phổ biến.”