Vận may được xem là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần tạo nên sự thành công trong công việc của mỗi người.
Trong phong tục ngày Tết, đầu năm ai cũng mong muốn vận hội hanh thông, làm ăn suôn sẻ, làm quan thì có ngày khai ấn, kẻ sĩ thì có ngày khai bút, nhà nông có ngày khai canh, vậy nên người buôn bán cũng sẽ có ngày bán mở hàng. Dân gian vẫn thường có câu “Đầu xuôi đuôi lọt”, hàm ý những gì bước đầu gặp thuận lợi thì hứa hẹn những bước tiếp theo cũng sẽ trôi chảy, tốt đẹp. Vì vậy, việc chọn ngày bán mở hàng đầu năm, đầu tháng, đầu tuần đối với họ vô cùng quan trọng. Thậm chí mở hàng vào giờ nào, bán cho ai đầu tiên để cả ngày buôn may bán đắt cũng là việc được rất nhiều người buôn bán quan tâm.
Nghề buôn bán bất kỳ thời điểm nào cũng không thể loại bỏ yếu tố may rủi trong công việc làm ăn. Đây là một yếu tố nằm ngoài khả năng của con người, chính vì vậy, tục bán mở hàng đầu năm được xem như là một nghi thức mang tính chất tâm linh, có tác động tích cực đến công việc buôn bán.
Tục lệ bán mở hàng xuất phát từ đâu?
Mở hàng đầu năm là một phong tục mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam (Ảnh minh họa)
Tục lệ bán mở hàng đã có từ rất lâu, gần như ngay khi có sự xuất hiện của hình thức buôn bán nhỏ lẻ, trao đổi hàng hóa thì tục lệ này đã xuất hiện. Khi bán mở hàng, người chủ gửi gắm vào đó mong ước một ngày làm ăn hanh thông thuận lợi, buôn may bán đắt, lời lãi được nhiều, lợi lộc lớn.
Thông thường muốn việc kinh doanh của mình đắc lộc, người bán hàng cần có thái độ niềm nở, vồn vã, ân cần, buôn bán linh động, hàng hóa chất lượng tốt để vừa làm hài lòng khách, vừa giữ được chữ Tín hay chính là sự tin tưởng của khách hàng. Đừng hiểu nhầm rằng mở hàng phải bán giá thật cao, bởi điều đó sẽ khiến người mua khi mặc cả không thành sẽ chê bai, bỏ đi, rốt cuộc cả ngày chẳng có ai đến hỏi thăm và mua hàng. Nhiều tiểu thương không hiểu lại đổ cho vị khách vừa rồi là “nặng vía”, chửi rủa ngầm và “đốt vía”. Những người bán hàng như vậy không biết rằng trong trường hợp này, chính họ mới là người “nặng vía”.
Tục bán mở hàng cũng như nhiều phong tục dân gian khác của Việt Nam, đều hướng đến những điều tốt đẹp, may mắn. Dân gian tin rằng nếu bán mở hàng mà vui vẻ, nhanh chóng thì cũng giống như việc khởi đầu ngày mới với nhiều năng lượng tích cực. Niềm tin đó sẽ mãi trong sáng, đẹp đẽ nếu như người kinh doanh, buôn bán luôn đặt chữ Tín lên hàng đầu, phục vụ khách hàng những sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý. Nếu các tiểu thương có thể làm như vậy thì Phong Thủy Tam Nguyên tin rằng, ngày nào cũng sẽ là ngày mở hàng đầy may mắn và suôn sẻ.
Quy tắc căn bản khi bán mở hàng
Lựa chọn ngày tốt để mở hàng là băn khoăn của rất nhiều tiểu thương (Ảnh minh họa)
Chọn ngày mở hàng: Đây là một yếu tố quan trọng nhằm chọn được thời điểm cát lợi giúp vượng gia phù nhân. Ngày tốt, hợp tuổi với người chủ kinh doanh sẽ giúp cải thiện vận khí, mang lại lợi ích cho công việc hàng ngày.
Chọn người mở hàng: Dân gian quan niệm rằng, việc chọn người hợp tuổi để mua hàng đầu tiên trong ngày mở hàng sẽ giúp công việc kinh doanh được thuận lợi, vận may luôn tới với công việc buôn bán của gia chủ.
Cách thức mở hàng:
Điều quan trọng nhất giúp giữ chân khách và để họ tin tưởng, quay lại với cửa hàng chính là ở thái độ của người bán hàng và những nhân viên trong cửa hàng. Thái độ thân thiện, vui vẻ sẽ tạo cảm giác thoải mái, giúp tạo tâm lý thích thú và thúc đẩy nhu cầu mua sắm, sử dụng dịch vụ của cửa hàng hơn.
Điều thứ hai cần lưu ý chính là về giá cả. Có thể sử dụng nhiều chiêu trò khác nhau từ giảm giá trực tiếp, dùng code giảm giá, quà tặng đi kèm,…để kích thích sức mua hàng và bản năng mua hàng của khách khi đến với cửa hàng. Bên cạnh đó, đây là một chiêu thức quảng bá sản phẩm, thương hiệu rất tốt. Nếu việc áp dụng các chiêu giảm giá đi kèm với chất lượng sản phẩm không đổi sẽ giúp người mua mong muốn quay trở lại để tiếp tục sử dụng sản phẩm, dịch vụ ở đây. Ngược lại, nếu việc giảm giá kèm theo đó là sự sụt giảm về chất lượng sản phẩm sẽ không tạo được niềm tin nơi khách hàng, gây tác dụng ngược khiến hình ảnh cửa hàng trở nên rất xấu trong mắt khách hàng.
Điều cuối cùng là cách thức mở hàng. Nếu đây là một buổi khai trương thì nên tạo ra không khí tươi vui, sôi nổi, thu hút để giúp khách hàng dễ dàng bị hấp dẫn hơn. Còn nếu chỉ đơn giản là một buổi mở hàng đầu năm thì nên dọn dẹp sạch sẽ cửa hàng, bày biện những sản phẩm mới để giúp người mua cảm thấy thích thú hơn khi tới lựa chọn.
Bạn thấy đấy, có rất nhiều những phong tục từ xa xưa vẫn được người dân Việt Nam bảo tồn và lưu giữ đến tận ngày nay. Mỗi phong tục này đều mang những ý nghĩa riêng, nhưng tựu chung lại đều là những ý nghĩa tốt đẹp, may mắn, thiện lành. Mong rằng qua bài viết trên, quý độc giả có thể hiểu hơn về ý nghĩa của tục lệ bán mở hàng, cũng như có những lưu ý cần biết dù là người mua hay người bán hàng để tránh mang lại vận xui cho công việc kinh doanh, buôn bán nhé!