Bạn Đã Biết Ý Nghĩa Của Mâm Ngũ Quả Chưa?

Mâm ngũ quả là một mâm có năm loại trái cây khác nhau thường được các gia đình Việt chuẩn bị để lên bàn thờ hoặc trong những dịp đặc biệt như ăn hỏi.

Mâm ngũ quả là một mâm có năm loại trái cây khác nhau thường được các gia đình Việt chuẩn bị để lên bàn thờ trong những ngày Tết nguyên đán. Thông qua cách trình bày, màu sắc và tên gọi của năm loại trái cây trong mâm ngũ quả này mà mỗi gia đình đều gửi gắm vào đó những mong muốn, nguyện cầu cho năm mới. Tùy vào vùng miền và thời kỳ mà hiện nay, ý nghĩa của mâm ngũ quả đã thay đổi nhiều và mang ý nghĩa trang trí ngày Tết nhiều hơn là ý nghĩa tâm linh.

Nguồn gốc của mâm ngũ quả

Ngũ quả tượng trưng cho ngũ hành Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ (Ảnh minh họa)

Người phương Đông thường tin vào thuyết Ngũ hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Đây cũng là 5 yếu tố tạo nên vạn vật theo thuyết duy vật cổ đại. Do đó, 5 loại quả trên mâm tượng trưng cho ngũ hành, số 5 tượng trưng cho sự sống, sự đầy đủ, thể hiện ước muốn của người Việt Nam là sẽ đạt được ngũ phúc lâm môn: Phú – Quý – Thọ – Khang – Ninh. Không chỉ vậy, trong văn hóa phương Đông, không chỉ mâm ngũ quả mà nhiều quy luật tự nhiên khác cũng được gắn với chữ “ngũ” như: ngũ hành, ngũ cốc, ngũ quan, ngũ vị, ngũ tạng…

Còn một nguồn gốc nữa về mâm ngũ quả là trong kinh Vu-lan-bồn (Ullambana Sutra) do Phật thuyết cho Mục Kiền Liên về cách cứu mẹ ông khỏi kiếp ngạ quỷ, có nhắc đến việc chuẩn bị mâm ngũ quả dưới hình thức “trái cây năm màu” để cúng dường chư Tăng. Theo quan niệm nhà Phật thì trái cây 5 màu tượng trưng cho ngũ căn gồm: tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), huệ căn (sáng suốt).

Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết Nguyên Đán

Ngũ

Ngũ (五): là năm, là biểu tượng chung của sự sống.  Ngũ quả thể hiện được sự đầy đủ các loại trái cây trong đất trời dùng để thờ cúng. Trong sách Chiêm thư, người ta thường nhìn và mâm ngũ quả để dự đoán mùa màng trong năm được hay mất, dần dần về sau, mâm ngũ quả trở thành tượng trưng cho sự cầu thị được mùa của người nông dân.

Chọn 5 thứ quả theo quan niệm người xưa là ngũ hành ứng với mệnh của con người. Chọn số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi.

Quả

Quả là biểu tượng cho sự sung túc với hình tượng mỗi quả là vũ trụ, bên trong quả có chứa hạt, tượng trưng cho sao, mang ý nghĩa sinh sôi trường tồn và tái sinh bất tận của sự sống.

Màu sắc

Màu sắc của các loại quả trên mâm ngũ quả thường tuân theo ngũ hành và có tính may mắn như: màu đỏ (may mắn, phú quý), màu vàng (sung túc)…

Hình dáng, cấu tạo, hương vị của quả

Các loại quả được chọn thường có hình dáng, cấu tạo gợi tả điều tốt lành, có vị ngọt, thơm, không đắng hoặc cay.

Do điều kiện địa lý tự nhiên của người Việt có sự khác biệt và thay đổi theo vùng miền nên mâm ngũ quả cũng được trình bày với các loại quả và hình thức khác nhau.

Vậy mâm ngũ quả miền Bắc có những quả gì?

Mâm ngũ quả miền Bắc (Ảnh minh họa)

Mâm ngũ quả của người miền Bắc thường gồm những loại quả phổ biến sau:

Chuối xanh: màu xanh của trái chuối tượng trưng cho hành Mộc, mang ý nghĩa như bàn tay ngửa để che chở đem lại sự bình an, sung túc, đùm bọc và gắn kết.

Lê: có vị ngọt thanh, ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.

Lựu: lựu có nhiều hạt, tượng trưng cho con cháu đầy đàn.

Đào, mai: thể hiện sự thăng tiến.

Phật thủ: có hình dạng đặc biệt như những bàn tay của Phật, che chở bảo vệ cho gia đình.

Táo: táo tây, táo ta, táo tàu: tượng trưng cho sự phú quý, giàu sang.

Bưởi: bưởi căng tròn, mát lạnh, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn trong cuộc sống.

Cam, quất: Theo âm Hán của từ “quất” gần giống âm của từ “cát”. Bày quất trên mâm ngũ quả ý nghĩa mang lại sung túc, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.

Lê – ki – ma (trứng gà): ý là lộc trời cho.

Trong đó, chuối, bưởi, đào, hồng, quýt có thể thay thế bằng cam, táo, lê… Nói chung, người miền Bắc không có phong tục khắt khe về ý nghĩa của mâm ngũ quả và hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày được, miễn là có nhiều màu sắc.

Mâm ngũ quả miền Nam gồm những gì?

Mâm ngũ quả miền Nam (Ảnh minh họa)

Mâm ngũ quả người miền Nam gồm các loại quả sau:

Dưa hấu: căng tròn, mát lạnh, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn trong cuộc sống.

Sung: thể hiện mong muốn có sự sung túc, tròn đầy, sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc.

Đu đủ: biểu tượng của đầy đủ, thịnh vượng.

Xoài: (phát âm giống như “xài”): Cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn.

Ngoài ra còn có các loại qủa khác như: Mãng cầu Xiêm; Thơm/khóm (dứa); Dừa; Nho; Sa-pô-chê (Hồng xiêm); Thanh long.

Khác với miền Bắc, các gia đình miền Nam thường kiêng kỵ kỹ lưỡng hơn khi bày mâm ngũ quả. Việc chưng trái có tên mang ý nghĩa xấu lên mâm ngũ quả của người miền Nam sẽ không có chuối vì phát âm như “chúi nhủi”, ngụ ý thất bại, không có cam vì “quýt làm cam chịu”, không có lê vì “lê lết”, không có táo vì người Nam gọi táo là “bom”, không có lựu vì “lựu đạn” và không có cả sầu riêng vì nặng mùi.

Không chỉ trong dịp Tết Nguyên Đán, đôi khi mâm ngũ quả cũng được sử dụng trong ngày cưới của người Việt. Khi nhà trai mang Lễ Vật sang nhà gái để xin rước cô dâu về, thường mang theo mâm ngũ quả được chuẩn bị rất kỹ càng với nhiều ý nghĩa thiêng liêng để ngầm mang lại điều tốt lành, hạnh phúc cho đôi trẻ.

Trên đây là những thông tin và “giải mã” ý nghĩa của mâm ngũ quả cũng như cách dùng quả để trưng bày cho mâm ngũ quả hợp với từng miền. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thêm những kiến thức hữu ích để ứng dụng vào cuộc sống thường ngày nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0989349119