Thờ cúng tổ tiên là một hiện tượng mang tính lịch sử – xã hội, tồn tại phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mặt tốt của hiện tượng này là ở chỗ, nó nhắc thế hệ những người đang sống phải nhớ đến nguồn, “ăn quả nhớ người trồng cây”, biết kính trọng, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc sinh thời và thờ phụng khi mất. Sự thanh cao, tinh khiết của nó đã trở thành đạo lý, lẽ sống, trở thành nét đẹp trong truyền thống văn hoá của nhiều dân tộc.
Song, nó cũng là sự phiền toái, nặng nề khi mang màu sắc mê tín, dị đoan, vụ lợi. Trong lịch sử và trong cuộc sống hiện tại, nó đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của con người. Các học giả trong nước và ngoài nước đã có nhiều ý kiến xung quanh hiện tượng thờ cúng tố tiên này. Đây là một loại hình tín ngưỡng hay tôn giáo? hay chỉ là một tập tục, thói quen, một hoạt động mang tính văn hoá, đạo đức?…
Để có cơ sở khoa học đánh giá hiện tượng này một cách khách quan và khoa học, các bạn hãy cùng Phong thủy may mắn làm rõ nguồn gốc và bản chất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam.
Trước hết, chúng ta hãy làm rõ nội hàm của khái niệm tổ tiên và thờ cúng tổ tiên.
Tổ tiên là khái niệm dùng để chỉ những người có cùng huyết thống nhưng đã mất như cụ, kỵ, ông, bà, cha, mẹ… – những người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng, có ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của thế hệ những người đang sống.
Trong quá trình phát triển của lịch sử, khái niệm tổ tiên cũng có sự biến đổi, phát triển. Nó không còn chỉ bó hẹp trong phạm vi huyết thống – gia đình, họ tộc… mà đã mở rộng ra phạm vi cộng đồng, xã hội. Sự hình thành và phát triển của các quốc gia, dân tộc thường gắn liền với tên tuổi của những người có công tạo dựng, giữ gìn cuộc sống của cộng đồng. Họ là những anh hùng, danh nhân mà khi sống được tôn sùng, kính nể, khi mất được tưởng nhớ, thờ phụng trong các không gian tôn giáo. Ở Việt Nam, họ là những tổ sư tổ nghề, thành hoàng làng, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá…
Thờ cúng tổ tiên là hoạt động có ý thức của con người, là tổng thể phức hợp của ý thức về tổ tiên, biểu tượng về tổ tiên và nghi lễ thờ phụng.
Thờ là yếu tố thuộc ý thức về tổ tiên, là tình cảm biết ơn, tưởng nhớ, hướng về cội nguồn, quá khứ. Thờ tổ tiên là sự thể hiện lòng thành kính, biết ơn, tưởng nhớ tổ tiên, đồng thời cũng là sự thể hiện niềm tin vào sự che chở, bảo hộ, trợ giúp của tổ tiên. Cơ sở của sự hình thành ý thức về tổ tiên là niềm tin về linh hồn tổ tiên còn sống, có thể che chở, phù hộ độ trì cho con cháu. Biểu tượng về tổ tiên là hình ảnh về những người tài giỏi, có công, có đức. Trên bàn thờ tổ tiên thường có bài vị, tượng, ảnh được bày đặt cầu kỳ, trang trọng.
Cúng là yếu tố mang tính nghi lễ, là sự thực hành một loạt động tác (khấn, vái, quì, lạy ) của người gia trưởng, tộc trưởng. Đó là hoạt động dưới dạng hành lễ và được qui định bởi quan niệm, phong tục, tập quán của mỗi cộng đồng, dân tộc. Thờ và cúng là hai yếu tố có tác động qua lại và tạo nên chỉnh thể riêng biệt – đó là sự thờ phụng tổ tiên . Sự “thờ”, “tôn thờ” là nội dung, còn hoạt động cúng” là hình thức biểu đạt của nội dung thờ cúng.Ý thức tôn thờ, thành kính, biết ơn, tưởng nhớ, hy vọng sự trợ giúp của tổ tiên là nội dung cốt lõi, là cái chủ yếu khiến sự thờ phụng tổ tiên thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nếu không có “nhờ” mà chỉ có “cúng” thì sự thờ phụng tổ tiên không có “hồn thiêng”, không có sức hấp dẫn nội tại dễ thành nhạt nhẽo và do vậy, không thể là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Sự “cúng” tuy chỉ là hình thức biểu đạt, song nó tôn vẻ linh thiêng, huyền bí, mờ ảo và tạo nên sức hấp dẫn. Nó chính là chất kết dính, tạo nên màu sắc thoả mãn niềm tin của chủ thể thờ cúng.
Ở Việt Nam, thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng có từ ngàn đời. Nó là một nét đẹp văn hóa đặc trưng cho dân tộc. Vậy nguồn gốc của tín ngưỡng này từ đâu?
Tiếp nối tín ngưỡng tô tem giáo
Một số nhà khoa học cho rằng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam nói riêng và ở các nước châu á nói chung là tiếp nối tín ngưỡng tô tem giáo. Tô tem giáo gắn liền với tổ chức thị tộc. “Mỗi tổ chức thì tộc có những hình thức thờ cúng riêng trong khuôn khổ các tập tục thờ cúng vật thiêng tổ tiên”. Họ cho rằng người chết chỉ là chết ở trần thế còn linh hồn vẫn tiếp tục “sống” ở nơi chín suối ở thế giới bên kia linh hồn người chết vẫn có “nhu cầu sinh hoạt” như người sống. Vì thế người ta chôn theo người chết những đồ tùy táng, người ta phân chia các đồ dùng sinh hoạt cá nhân cho người chết (hiện nay có thể tìm thấy các đồ này ở các dân tộc Tây Nguyên và dân tộc H’Mông), về sau người ta đốt đồ vàng mã cho người chết mỗi khi cúng lễ cầu khấn người chết (ngày nay đốt tiền âm phủ các đồ bằng giấy đắt tiền như ti vi ô tô xe máy…)
Từ nền kinh tế nông nghiệp gia đình phụ quyền
Từ khi xã hội Việt Nam chuyển từ mẫu hệ sang phụ hệ vai trò người đàn ông trở nên quan trọng trong hoạt động kinh tế và trong mọi sinh hoạt gia đình. Vợ và các con họ phải tuyệt đối phục tùng tôn trọng cái quyền được khắc là mấy. Nhà tôn giáo học nổi tiếng Tôkarep, đã cho đó là hình thức phản ánh tất nhiên quyền hành gia trưởng trong mỗi gia đình phụ quyền. những đứa con trai mang dòng họ cha, kế tiếp ý thức về uy quyền trong mỗi gia đình của mình. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được xác lập theo dòng họ cha bắt đầu từ đấy.
Khi bước vào chế độ phong kiến, vai trò người đàn ông vẫn là chủ đạo cộng thêm việc phu phen, tạp dịch, lính tráng, người đàn ông, người cha vẫn giữ chủ đạo, vì thế quyền gia trưởng vẫn thuộc về người đàn ông. Việc nuôi nấng chăm sóc con cái rất vất vả, Dân gian ta có câu “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng biển”, đó không chỉ ở ý nghĩa thiêng liêng cha mẹ sinh thành mà còn nói đến công dưỡng dục. Khi con trai trong nhà trưởng thành, cha mẹ phải lo đủ ba việc lớn là: tậu trâu, làm nhà, cưới vợ để chúng tự lập sinh sống tiếp nối hình thức gia đình phụ quyền tiếp theo, Nếu chưa làm được thì cha mẹ nhắm mắt chưa yên. Chính vì những lý do nói trên mà người Việt đối với cha mẹ một lòng tôn kính khi sống, thờ cúng, tưởng nhớ khi chết. Và cứ như thế, đời này qua đời khác, cha mẹ đối với ông bà, con đối với cha mẹ, kế tiếp nhau thành tín ngưỡng thờ cúng cha mẹ, ông bà tổ tiên.
Tiếp thu Nho giáo trong việc đề cao chữ hiếu nghĩa
Nho giáo du nhập vào nước ta thông qua con đường xâm lược của đế quốc phương Bắc. Phải mất khá lâu, Nho giáo mới có chỗ đứng trong văn hoá Việt Nam. Tư tưởng cơ bản của Nho giáo là rất mực tôn quân, đề cao chế độ phong kiến quan liêu tập quyền. Để bảo đảm cho chế độ truyền tử, ngôi vua chỉ truyền cho con trai trưởng, nhằm tránh hậu họa, các con thứ tranh giành ngôi vua sinh ra loạn lạc. Nho giáo để cao gia đình “quyền huynh thế phụ”, người con trai cả kế nghiệp vua, thừa kế tài sản, thờ cúng tổ tiên. Nho giáo đề cao chữ hiếu nghĩa “Trung chi quân, hiếu chi phụ mẫu, dữ chi bản” (kinh Lễ) (Trung với vua, hiếu với cha mẹ là cùng một gốc vậy). Và “Hiếu giả sở sơ dĩ sự quân dã, để giả sở dĩ sự trưởng dã, từ giả sở dĩ sự chúng dã” (Hiếu là để phụng sự nhà vua đấy, là để phụng sự bề trên đấy, là để sai khiến dân chúng đấy).
Người Việt tiếp thu tư tưởng Nho giáo chủ yếu để xây dựng chế độ phong kiến, vào giai đoạn hưng thịnh, tư tưởng Nho giáo đã có nhiều đóng góp tích cực. Các nhà nước phong kiến đã đưa ra các quy định để thể chế hoả tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thời Lê việc thờ cúng tổ tiên được pháp luật bảo vệ. Điều 339 và 400 trong Lê triều hình luật qui định: Ruộng hương hoả, cơ sở kinh tế thờ cúng tổ tiên, dù con cháu nghèo khó cũng không được đem bán, nếu bán ghép vào tội bất hiếu. Nếu người trong họ mua ruộng đất ấy, thì mất số tiền mua, người ngoài mà mua thì phải cho chuộc, người mua không được cố giữ. Ớ điều 400 còn qui định, nếu không có con trai, thì con gái có quyền thờ cúng tổ tiên.
Ở trong dân gian cũng chấp nhận con rể thờ cúng tổ tiên nhà vợ, ca dao có câu:
Phụ mẫu em cũng như phụ mẫu chàng,
Hai bên phụ mẫu tạc bốn chữ vàng thờ chung.
và:
Phụ mẫu em không có con trai,
Kiếm nơi rể thảo một mai phụng thờ.
Suốt thời Lê cho đến thời Nguyễn, đều có lệ khen thưởng những người con hiếu nghĩa “cha mẹ sống lấy lễ mà thờ, cha mẹ chết lấy lễ mà táng”. Ở thời Nguyễn việc tang lễ và thờ cúng tổ tiên qui định như là một luật tục khá chi tiết đầy đủ, được tác giả Hồ Sĩ Tân chép thành sách “Thọ mai gia lễ” lưu truyền đến ngày nay.
Có thể xem nguồn gốc xã hội sâu xa mang tính khách quan của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là ở tính hạn chế của lực lượng sản xuất và kèm theo đó là sự hạn chế, tù túng trong quan hệ kép giữa con người với tự nhiên và giữa con người với con người trong xã hội. Còn nguồn gốc trực tiếp, mang tính xã hội của nó là sự phân hoá xã hội mà hệ quả của sự phân hoá ấy là việc đề cao vai trò của người đứng đầu trong gia đình – thị tộc. Những người này, dựa vào uy tín của mình để củng cố và thiêng liêng hoá sự thờ cúng tổ tiên đã có manh nha trong thời kỳ thị tộc mẫu quyền. Trong xã hội có giai cấp, sự áp bức, bóc lột giai cấp, sự bất công xã hội đã khiến cho con người không có lối thoát hiện thực phải đi tìm sự trợ giúp của tổ tiên cũng là những nguồn gốc xã hội quan trọng làm nảy sinh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Cùng với đó nhận thức của con người cũng là một nguồn gốc quan trọng trong quá trình hình thành và tồn tại của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Người nguyên thuỷ tin rằng con người sau khi chết, linh hồn vẫn tiếp tục sống. Ý niệm về linh hồn là một trong những yếu tố cơ bản nằm trong các phức hợp, biểu tượng về tổ tiên và là một đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Một yếu tố tư tưởng khác, có phần xa xưa hơn với ý niệm về linh hồn, có ảnh hưởng tới sự phát triển các biểu tượng về tổ tiên là hình ảnh tổ tiên tôtem giáo, hình ảnh thần che chở cho gia đình, thị tộc.
Nguồn gốc nhận thức luận của tôn giáo, như Ph.Ăng ghen đã chỉ rõ, “tôn giáo sinh ra trong một thời đại hết sức nguyên thuỷ, từ những khái niệm hết sức sai lầm, nguyên thuỷ của con người về bản chất của chính họ và về giới tự nhiên bên ngoài, xung quanh họ”(1), cũng đúng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tư tưởng tôn thờ tổ tiên được xây dựng trên những vật liệu là những quan niệm, nhận thức ấu trĩ , thơ ngây về linh hồn người chết, về tổ tiên tôtem giáo, về các thần che chở cho gia đình, thị tộc. Thêm vào đó, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn được hình thành trên cơ sở tâm lý, tình cảm mang tính tôn giáo của cá nhân, cộng đồng người trong xã hội.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hình thành trên cơ sở niềm tin vào sự bất tử của linh hồn tổ tiên. Niềm tin ấy bắt nguồn từ ước muốn mang tính bản năng – ước muốn trường thọ của con người. Chính con người đã thiêng liêng hoá tình cảm thương, thái độ kính trọng người có công tạo dựng cuộc sống. Trong cuộc sống, con người không những chỉ tiếp xúc với cái hiện hữu, mà còn tiếp xúc với cái vô hình, trừu tượng, mông lung, chỉ được con người cảm nhận, linh cảm chứ không thể lý giải được bằng lý trí. Niềm tin vào sự hiện tồn của tổ tiên góp phần cân bằng trạng thái tâm lý, nhiều khi còn là cứu cánh, là sự giải toả nỗi cô đơn, bất hạnh của con người trước cái chết. Bằng nghi lễ thờ cúng tổ tiên, con người thể hiện một cách suy nghĩ về cái chết và cuộc sống sau khi chết, giải toả nỗi kinh sợ khi phải đối mặt với nó.
Trong chế độ phụ quyền, quyền hành của gia trưởng, tộc trưởng còn làm phát sinh ở con cháu cảm giác sợ hãi, qui thuận. Cảm giác này được nuôi dưỡng, di truyền thông qua các thế hệ và thậm chí được chuyển sang thế giới bên kia với quan niệm rằng, người chết vẫn có thể trừng phạt con cháu. Tổ tiên cũng giống như các vị thần linh khác có thể giáng tai hoạ xuống con cháu, vì thế cần phải kính trọng, thờ cúng thường xuyên thì tổ tiên mới không làm hại, mới che chở, bảo vệ, phù giúp.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn được bắt nguồn từ lòng hiếu thảo của con cháu. Quan hệ giữa bố mẹ đang sống với con cái là hiện thân của mối quan hệ giữa tổ tiên với con cháu sau này. Sự kính hiếu cha mẹ được tiếp nối bằng sự tôn thờ, sùng bái tổ tiên. Bổn phận kính trọng, báo hiếu, đền ơn công sinh thành dưỡng… dục của bố mẹ cũng là bổn phận báo hiếu, ơn đền tổ tiên. Thờ phụng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo, sự thành kính biết ơn các bậc đã sinh thành, nuôi nấng và tác thành cho mình. Tuy nhiên, con cháu chỉ được tổ tiên bao dung, che chở khi sống xứng đáng với ước nguyện của tổ tiên. Mặt khác, con cháu chỉ tôn kính, qui thuận và thờ phụng tổ tiên khi tổ tiên xứng đáng là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Nếu ai, trong quá khứ có hành động đi ngược lại lợi ích của cộng đồng họ tộc và gia đình, chẳng những không được kính trọng, tôn thờ mà còn bị nguyền rủa, trừng phạt.
Trên đây là những nguồn gốc xã hội, nhận thức và tâm lý của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Song để làm sáng tỏ vấn đề, cần thiết phải xem xét những đặc trưng chủ yếu nhất, tức là bản chất của nó.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng giống như các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo khác là sự phản ánh sai lệch hiện thực, là sự phản ánh hư ảo – vào trong đầu óc của con người – của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ (2). Lực lượng xa lạ bên ngoài, ở đây là tổ tiên trong thế giới vô hình. Tổ tiên đã mất là đối tượng phản ánh nhằm đáp ứng, thoả mãn sự thiếu hụt tinh thần của những người đang sống. Tổ tiên khi còn sống. Tổ tiên khi còn sống thì “khôn”, đến lúc chết thì “thiêng”, vẫn ngự trên bàn thờ, vừa gần gũi vừa xa lạ, linh thiêng. Con cháu thành kính, tôn thờ tổ tiên là tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Ý thức về tổ tiên là ý thức về cội nguồn. Thờ cúng tổ tiên là sự phản ánh liên tục của thời gian, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Sự sống là bất diệt, chết không phải là hết. Các thế hệ tiếp nối nhau, chết chỉ là sự bắt đấu của chu kỳ sinh mới.
Tổ tiên được gắn cho sức mạnh siêu nhiên. Đó chính là sự thiêng liêng hoá, thần thánh hoá bắt nguồn từ quan niệm về sự bất diệt của linh hồn. Sự thiêng liêng hoá, thần thánh hoá tổ tiên là sự tưởng tượng, song lại có cội nguồn từ cuộc sống hiện thực. Ý thức về tổ tiên hình thành và tồn tại giúp con người vượt qua cái trần tục, đời thường, thúc đẩy sự tìm tòi, vượt qua trạng thái hiện tồn để hướng về phía trước, khắc phục sự hẫng hụt về tinh thần. Xét về mặt đạo đức, ý thức về tổ tiên mang giá trị nhân văn sâu sắc, nó phát khởi mối thiện tâm trong mỗi con người trong cộng đồng xã hội.
Ngoài biểu tượng về linh hồn tổ tiên, biểu tượng tổ tiên tôtem, biểu tượng về các thần che chở cũng là nội dung tư tưởng của ý thức về tổ tiên. Ý niệm về tổ tiên tôtem tạo cho người ta hình ảnh mơ hồ, xa lạ, linh thiêng của tổ tiên. Còn ý niệm về thần che chở tạo cho người ta cảm giác yên tâm.
Xét về mặt nhận thức luận, chủ thể nhận thức và phản ánh là người sống, khách thể được nhận thức và phản ánh là tổ tiên đã mất. Xét về mặt xã hội, đó là sự phản ánh hoang đường quyền hành của người gia trưởng, là kết quả tất yếu của quá trình phân hoá xã hội, từ chế độ mẫu quyền sang chế độ phụ quyền. Bản chất xã hội của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được thể hiện rõ nét trong nội dung, đối tượng và hình thức phản ánh, được qui định bởi các nguồn gốc xã hội, nhận thức và tâm lý của nó.
Đặc trưng chỉ nó nhất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là ở chỗ, nó là một hình thái ý thức xã hội đặc biệt, một hiện tượng lịch sử – xã hội và văn hoá thuộc lĩnh vực đời sống tinh thần, là sự phản ảnh tồn tại xã hội, chịu sự qui định của tồn tại xã hội, có tính độc lập tương đối, được hình thành rất sớm và còn tồn tại lâu dài trong xã hội. Nguồn gốc và bản chất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên gắn quyện vào nhau, tạo thành nét đặc thù của loại_hình tín ngưỡng này.
Như vậy, có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng dân gian, gắn liền với tập tục văn hoá, đạo đức trên cơ sở của niềm tin cho rằng, tổ tiên đã chết sẽ che chở, phù giúp cho con cháu, là sự phản ánh hoang đường quyền hành của người gia trưởng và được thể hiện thông qua nghi lễ thờ cúng theo quan niệm, phong tục, tập quán của mỗi con người, của mỗi gia đình và mỗi cộng đồng xã hội.
>>Sản phẩm phong thủy sử dụng cho việc bốc bát hương: cốt thất bảo bốc bát hương